Multimedia Đọc Báo in

Hoa văn cườm chì trên nền thổ cẩm

06:19, 02/05/2020

Thổ cẩm truyền thống của các dân tộc vùng Trường Sơn Tây Nguyên có nhiều mô típ hoa văn phản ánh thế giới muôn màu, muôn vẻ của thiên nhiên, rừng núi và cuộc sống con người.

Trong các loại hình hoa văn trên trang phục truyền thống của người Cơ Tu, Tà Ôi, Chăm Hroi, Ba Na, Giẻ Triêng... thì hoa văn cườm chì là giá trị nhất, trở thành nét đặc sắc trong nghệ thuật trang trí và tạo hình dân gian.

Trước khi biết đến hoa văn cườm chì, đồng bào các dân tộc thiểu số dệt hoa văn bằng chỉ màu hoặc hoa văn bằng hạt cỏ, hạt cây lấy trong rừng. Tuy nhiên, những loại hạt được khai thác trong tự nhiên thường không bền nên về sau được thay thế bằng những hạt chì để dệt hoa văn trên trang phục. Cườm chì bền và có giá trị hơn hẳn cườm bằng cỏ. Cườm chì quý hiếm vì chế biến từ chì thành hạt cườm để dệt rất khó khăn. Làng nào có người biết kỹ thuật chế tạo thì mới có dệt hoa văn cườm chì. Gia đình nào giàu có mới được sở hữu sản phẩm dệt hoa văn cườm chì.

Trang phục nam dân tộc Chăm Hroi với hoa văn  cườm chì phía sau lưng áo.
Trang phục nam dân tộc Chăm Hroi với hoa văn cườm chì phía sau lưng áo.

Chì được khai thác từ sông suối, dùng nồi đất nấu lỏng, múc chì nóng chảy đổ trên đá, dùng que tre tách chì thành từng hạt (đường kính 2.5 mm - 3 mm), lấy đầu bằng của que tre lăn tròn tạo dáng và sau đó dùng đầu nhọn chích lỗ và hất vào nơi đựng nước cho chì đông cứng lại. Có nơi người ta nấu chì nóng chảy rồi đổ vào ống tre nhỏ. Ở giữa ống tre đó người ta đặt một cái tăm nhỏ như là một cái lõi để chì bám đều vào đó. Khi chì nguội thì chẻ ống tre ra lấy chì làm hạt cườm. Người ta cắt chì bám trên lõi tre thành từng lát nhỏ li ti. Nhờ lõi tre đặt sẵn nên mỗi hạt chì đều có lỗ rỗng ở giữa. Tuy nhiên, do vừa mới cắt ra, các hạt chì còn sắc cạnh, người ta phải mài gọt, chỉnh sửa lại mới thành hạt cườm chì hoàn chỉnh. Các dân tộc phía nam Trường Sơn thì chế tác chì thành những mảnh nhỏ để đính vào vai, thân áo, phối hợp với các loại cườm khác tạo thành những dải hoa văn đặc trưng.

Hoa văn cườm chì chìm lắng, điệp ẩn vào màu đen của vải. Ban đầu, người ta không chú ý tạo hoa văn bằng cườm chì mà sắp xếp chúng thành vạt dày đặc trên khố, áo hay dùng hạt cườm chì để chạy đường viền. Có người giải thích cách sắp xếp này ngoài giúp tăng giá trị sản phẩm còn thêm chức năng khác như là chiếc “áo giáp” của các chiến binh, giúp họ tránh bị sát thương khi chiến đấu. Về sau, người ta dùng chì dệt nên nhiều hoa văn phong phú, phức tạp hơn như hoa văn hình học, gấp khúc và một số môtip đòi hỏi sự sáng tạo và nghệ thuật cao như: ngôi sao, lá, ngọn chông... Tuy nhiên, do hạt chì hơi nặng, mỗi chiếc khố phải dùng đến hàng nghìn, hàng vạn hạt chì, việc tìm đủ nguyên liệu để dệt là rất khó khăn nên họ đã dùng hạt cườm nhựa dệt tạo hoa văn, thay thế cườm chì. Kỹ thuật kết hạt cườm là một sáng tạo độc đáo với giá trị thẩm mỹ cao.

    Thợ dệt người Cơ Tu kết cườm chì trên vải thổ cẩm.
Thợ dệt người Cơ Tu kết cườm chì trên vải thổ cẩm.

Những tấm vải, dải khố, váy áo, tấm choàng, tấm địu có hoa văn cườm, hoa văn chì càng giá trị, càng được ưa chuộng. Đồ vải có hoa văn chì thường dành cho các nhà khá giả, những người quyền thế, những bậc cao niên - là những người được kính trọng trong xã hội cổ truyền. Trang phục hoa văn cườm chì là loại trang phục cổ, độc đáo của các tộc người sinh sống ở núi rừng Trường Sơn. Những hạt cườm ẩn hiện trên nền vải còn mang ý nghĩa như món phục sức, cùng với hoa văn, sắc màu thổ cẩm làm đẹp, làm sang cho bộ trang phục. Hiện nay, những tấm thổ cẩm có hoa văn cườm chì của đồng bào các dân tộc thiểu số là hiện vật giá trị, quý hiếm chỉ được lưu giữ, trưng bày tại nhà Bảo tàng TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ...

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.