Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những mái tranh buôn làng…

08:38, 28/05/2020
Ở Việt Nam, cỏ tranh phân bố rất nhiều nơi, từ các đảo, đồng bằng, trung du đến các vùng núi cao. Địa bàn miền núi, cỏ tranh mọc ở những cánh rừng nghèo, rừng thưa, rẫy cũ bỏ hoang.
 
Cỏ tranh cùng với gỗ, tre nứa, song mây là vật liệu để đồng bào miền núi xây dựng nhà cửa. Ngôi nhà tranh vách nứa là chỗ cư trú lâu đời phù hợp với điều kiện khí hậu miền núi.

Theo tập quán cũ, khi nương rẫy đã qua nhiều năm canh tác, đất bạc màu, không thể trồng lúa, hoa màu được nữa, đồng bào sẽ bỏ hoang. Lúc đó cỏ tranh, lau lách và cây dại thế chỗ. Vì đất khô cằn cho nên chỉ có cây cỏ tranh mới sinh trưởng, lâu dần trở thành đồi cỏ tranh tự nhiên. Vào đầu mùa khô, khi thu hoạch xong lúa, rẫy là thời gian nông nhàn, đồng bào lo tu bổ, sửa sang nhà cửa hoặc dựng nhà mới. Họ vào rừng đốn gỗ, chặt tre nứa, cắt tranh, chuẩn bị sẵn mọi thứ vật liệu để làm nhà. Những nếp nhà cũ, mái tranh hư mục sẽ được thay thế.

Lúc đó, ở những cánh rừng xa, từng vạt tranh đã nhuộm vàng. Đồng bào vào rừng chọn lựa cắt những vạt tranh già, lá dài, cứng cáp, lấy lạt tre bó thành từng bó lớn rồi gùi về để lợp nhà. Những bó tranh vàng óng thơm mùi cỏ mới được xếp ở sân, hiên nhà chờ ngày kết thành từng tấm lợp. Trong thời điểm này, người dân cũng được huy động công sức tìm nguyên vật liệu để tu sửa, xây dựng nhà làng truyền thống như nhà rông, nhà gươl, nhà ưng...

Mỗi nhà tùy theo lực lượng lao động mà có thể đóng góp bao nhiêu bó tranh, bó nứa, ngày công để dựng lên ngôi nhà chung của làng. Những vạt tranh xấu còi còn sót lại thì được đốt thành tro cho đất màu hơn. Các đám cỏ tranh khi bị đốt thường cho tro có vị mặn. Vì vậy, thú rừng thường đến để liếm thay muối. Trước đây, khi muối còn khan hiếm, bà con miền núi thường đốt cỏ tranh ăn thay muối. Đồng bào M’nông ở nam cao nguyên cũng thường tổ chức đi đốt cỏ tranh lấy muối tro để dành ăn dần. Đến mùa mưa, cỏ tranh lên xanh tốt, lại cho mùa thu hoạch mới.

Những bó tranh vàng óng chuẩn bị lợp lại mái nhà sắp hư mục của đồng bào M’nông.
Những bó tranh vàng óng chuẩn bị lợp lại mái nhà sắp hư mục của đồng bào M’nông.

Trong các loại lá mà đồng bào thường dùng để lợp nhà như lá cọ, lá mây, lá bộp... thì lá tranh là tốt nhất. Vì tranh thường mọc thành vạt rất dễ tìm kiếm, có thể đáp ứng nguyên liệu làm nhà cho bà con trong làng. Hơn nữa, cỏ tranh dài, cứng, bền, dễ kết thành từng tấm và dễ lợp. Ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Êđê ở Tây Nguyên thường có mái tranh lợp dày từ 15 - 20 cm và có tuổi thọ đến 20 năm mới hư mục. Nhà rông, nhà gươl cũng lợp mái rất dày, mỗi nhà tốn hàng trăm bó tranh.

Nhà mái tranh chẳng những giữ nét kiến trúc truyền thống mà còn phù hợp với thời tiết, khí hậu: ấm vào màu đông, mát mẻ vào mùa hè, phù hợp với tập quán sinh hoạt lâu đời của bà con. Đó là những ưu điểm của cỏ tranh, không chỉ người miền núi ưa dùng mà ngay cả người miền xuôi trước đây cũng tìm lên tận miền ngược mua tranh về làm nhà.

Do thay đổi tập quán cư trú, lại thực hiện chính sách xóa nhà tạm nên nhà truyền thống lợp tranh dần bị xóa bỏ; thay bằng nhà mái tôn hoặc phi bờ rô xi măng. Các công trình kiến trúc cộng đồng như nhà rông, nhà gươl... cũng được làm bằng vật liệu mới. Những ngôi nhà dài, nhà rông không có mái tranh khiến ai cũng cảm thấy mất nét, mất hồn và xa lạ.

Người Bahnar gùi những bó tranh về làng. Ảnh: Daniel Léger
Người Bahnar gùi những bó tranh về làng. Ảnh: Daniel Léger

Hiện nay, nhu cầu vật liệu làm nhà truyền thống rất lớn, trong đó nguồn cỏ tranh luôn khó đáp ứng. Không chỉ đồng bào miền núi mà các khu nghỉ dưỡng, làng văn hóa truyền thống đều có nhu cầu mua vật liệu như cỏ tranh, tre nứa, song mây... để dựng nhà bởi đây là vật liệu truyền thống đơn giản nhưng tạo nên hiệu quả thẩm mỹ cao, tạo ấn tượng về kiến trúc, cảnh quan. Cỏ tranh phù hợp với lối thiết kế theo phong cách khác nhau, từ truyền thống đến hiện đại. Hiện nay có một số địa phương, đơn vị đã sớm nắm bắt nhu cầu thị trường về vật liệu xây dựng truyền thống, đã tổ chức thu mua và sản xuất tấm lợp bằng cỏ tranh song vẫn ở quy mô nhỏ, tự phát, chưa đáp ứng nhu cầu.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.