Multimedia Đọc Báo in

Như Nam - Bắc đoàn viên sau lần gặp Bác

15:02, 28/05/2020

Các cháu miền Nam ra thăm Bác

Các cháu ở miền Nam mới ra Bắc lần đầu

Đến thăm Bác bất ngờ không hẹn trước

Nắng trời đẹp mà rưng rưng nước mắt

Bác cháu quây quần như Nam Bắc đoàn viên.

 

Cúi xuống nhìn mâm cơm, chúng tôi cùng nhìn lên

Lòng như thể cánh rèm rung trong gió

Các cháu vượt Trường Sơn ra đây bằng đôi chân đi bộ

Bác thật có lỗi với đồng bào miền Nam vì chưa thể vào thăm.

 

Câu nói của Người làm chúng tôi nghẹn ngào suốt cả bữa ăn

Suốt cả bữa ăn Bác chỉ lo gắp thức ăn và xới cơm cho từng đứa

Chúng tôi đến bất ngờ, bữa cơm thường mà như cỗ

Món ăn hai miền đủ cả những buồn vui.

 

Món ăn hai miền được chế biến tự tay Người

Dặn nhà bếp mua về, tự tay Người nấu nướng

Đúng khẩu vị miền Nam khi cúi xuống

Ngước lên nhìn như đang ở miền Nam.

 

Hỏi thăm từng đứa một, Bác đi khắp quanh bàn

Năm sáu đứa chúng tôi, đứa nào cũng được ngồi cạnh Bác

Bác ở giữa miền Nam, miền Nam đang giữa lòng miền Bắc

Bác cháu quây quần như Nam Bắc đã đoàn viên

 

Không còn được đón Bác vào thăm ngày thống nhất hai miền

Không phải Bác có lỗi với đồng bào miền Nam mà chúng ta có lỗi…

Đâu chỉ năm sáu đứa chúng tôi còn nợ Người câu hỏi

Các cháu có hợp khẩu vị hay chỉ vì nể Bác bữa hôm nay?!

Nguyễn Hưng Hải

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, trong lúc đất nước bị chia cắt hai miền, hình ảnh miền Nam trong tim Bác Hồ và bóng Bác giữa lòng miền Nam ruột thịt được thể hiện qua rất nhiều bài thơ. Cảm hứng ấy được nhà thơ Nguyễn Hưng Hải thể hiện thật xúc động trong bài thơ “Các cháu miền Nam ra thăm Bác”.

Khổ thơ mở đầu giới thiệu thật xúc động cuộc gặp mặt “không hẹn trước” của các cháu thiếu nhi từ miền Nam ra thăm Bác. Được đến miền Bắc lần đầu, giữa khung cảnh thiên nhiên đất trời chan hòa ánh nắng, ai cũng rưng rưng nước mắt. Bác cháu gặp nhau mà như hai miền Nam, Bắc đoàn viên sau ngày tháng cách xa. Thật vậy, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải đã khéo léo dẫn dắt câu chuyện bằng ý thơ hết sức tinh tế và đậm chất trữ tình:

Các cháu ở miền Nam mới ra Bắc lần đầu

Đến thăm Bác bất ngờ không hẹn trước

Nắng trời đẹp mà rưng rưng nước mắt

Bác cháu quây quần như Nam Bắc đoàn viên.

Sau phút giây cảm động bùi ngùi giữa Bác Hồ và các cháu thiếu nhi miền Nam lần đầu ra Bắc, nhà thơ đã dành bốn khổ thơ tiếp theo để miêu tả hình ảnh bữa cơm thân mật mà Người dành tất cả tình yêu thương, sự ân cần để tiếp đón các cháu. Đó là bữa cơm bình thường mà thiêng liêng và sâu nặng nghĩa tình không gì đo đếm được. Nhà thơ đã hóa thân vào nhân vật trữ tình là các cháu thiếu nhi miền Nam để rồi cảm động đến nghẹn ngào: “Cúi xuống nhìn mâm cơm, chúng tôi ngước nhìn lên/ Lòng như thể cánh rèm rung trong gió”.

Tấm lòng lãnh tụ Hồ Chí Minh hiện lên thật gần gũi mà vô cùng vĩ đại qua từng câu nói, cử chỉ và hành động chăm chút cho các cháu miền Nam trong bữa cơm. Bác thấu hiểu các cháu phải vượt Trường Sơn đi bộ qua nhiều ngày mới đến đây gặp Bác. Người lại thấy mình như có lỗi với nhân dân miền Nam ruột thịt vì chưa thể vào thăm. Bởi thế, bữa cơm với các cháu từ miền Nam ra Bắc là cuộc tao ngộ thắm tình đồng bào nên “món ăn hai miền đủ cả những buồn vui”.

Trong bữa cơm ấm áp ấy, Bác có ăn đâu mà chỉ lặng lẽ “gắp thức ăn và xới cơm cho từng đứa”. Thật cao đẹp tấm lòng của Bác, vì ngay cả các món ăn hai miền đều do chính Bác tự tay mình nấu nướng. Thành ra cuộc tiếp đón các cháu cũng là giây phút Người được gặp gỡ nhân dân miền Nam, tâm tình và lắng nghe nỗi niềm của họ. Từ đó, nhà thơ đã khái quát tấm lòng của Bác với miền Nam ruột thịt sâu nặng và thiết tha biết bao. Các cháu thiếu nhi miền Nam được ngồi bên Bác cũng như miền Nam đang ở giữa lòng miền Bắc thương yêu vậy:

Hỏi thăm từng đứa một, Bác đi khắp quanh bàn

Năm sáu đứa chúng tôi, đứa nào cũng được ngồi cạnh Bác

Bác ở giữa miền Nam, miền Nam đang giữa lòng miền Bắc

Bác cháu quây quần như Nam Bắc đã đoàn viên

Khổ thơ cuối bài khép lại bằng cảm xúc tiếc nuối và nhớ thương Bác Hồ của nhân dân miền Nam sau ngày non sông thống nhất. “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha” mãi mãi là bài ca thiết tha và sâu lắng nhất. Tình cảm suy tư, trăn trở của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải cũng chính là tiếng lòng của mỗi chúng ta khi nghĩ về Người. Một bữa cơm với thiếu nhi miền Nam ra Bắc mà Bác dành để tiếp đón cũng chính là tấm lòng, là tư tưởng yêu nước và khát vọng thống nhất non sông to lớn đến nhường nào của Bác. Vì vậy, với nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, những câu hỏi mà chúng ta nợ Người sẽ mãi canh cánh bên lòng, nhắc nhở cho cả thế hệ mai sau:

Không còn được đón Bác vào thăm ngày thống nhất hai miền

Không phải Bác có lỗi với đồng bào miền Nam mà chúng ta có lỗi…

Đâu chỉ năm sáu đứa chúng tôi còn nợ người câu hỏi

Các cháu có hợp khẩu vị hay chỉ vì nể Bác bữa hôm nay?!

Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, song Người đã không kịp ngắm nhìn ngày non sông thu về một mối, nhân dân đoàn tụ một nhà. Nhưng trái tim và tình cảm đẹp đẽ của Người với miền Nam luôn còn mãi…

Lê Thành Văn
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.