Multimedia Đọc Báo in

Về vùng đất Tầm Vu anh hùng

12:34, 09/05/2020

Về xã Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) hôm nay, du khách sẽ bắt gặp màu xanh ngút ngàn của những vườn dâu hạ châu, bòn bon, mít tố nữ đang sai cành trĩu quả; vùng quê trù phú đang ngày càng thay da đổi thịt mang rõ dấu ấn nông thôn mới, không còn dấu vết gì của một thời bom đạn.

Đây là nơi đã làm nên bốn trận Tầm Vu trong những ngày chống Pháp làm nức lòng quân dân Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.

Bốn trận Tầm Vu nối tiếp nhau từ năm 1946 đến năm 1948 trên đoạn lộ Cái Tắc - Rạch Gòi (nay thuộc xã Thạnh Xuân) đã làm tiêu hao lớn sinh lực địch. Ngày 20-1-1946, ta đã đánh đoàn xe quân sự của địch, diệt 2 xe, tiêu diệt một số tên địch, trong đó có tên đại tá Dessert, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại miền Tây Nam Bộ, là một trong 5 tên sĩ quan cao cấp nhất của Pháp trên chiến trường Đông Dương. 

Tượng đài Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu.
Tượng đài Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu.

Đây là trận thắng đầu tiên của đơn vị vũ trang ta đánh xe cơ giới địch. Ngày 12-11-1946, lực lượng ta do đồng chí Ngô Hồng Giỏi chỉ huy đã phục kích đánh đoàn xe quân sự của địch trên lộ Tầm Vu, thiêu hủy 3 xe, diệt 60 tên lính lê dương, thu 60 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng khác. 

Tiếp đó, vào ngày 3-5-1947, Khu Bộ trưởng Huỳnh Phan Hộ chỉ huy đã diệt 6 xe quân sự của địch, làm chết và bị thương gần 200 lính Pháp, thu được 8 đại liên, nhiều súng đạn các loại và quân trang, quân dụng. 

Sau trận này, trên chiến trường cả nước vang lên bài hát ca ngợi chiến thắng Tầm Vu của nhạc sĩ Đắc Nhẫn trong đó có đoạn “Hùng thay! Tầm Vu! đây đó vang lừng chiến công...”. Chiến công nối tiếp chiến công, ngày 19-4-1948, dưới sự chỉ huy của Khu Bộ trưởng Trần Văn Giàu và Tham mưu trưởng Võ Quang Anh, quân ta đánh tiêu diệt 14 xe quân sự địch, giết chết gần 200 tên lính Pháp, trong đó có một tên quan ba, thu nhiều súng đạn, đặc biệt là lần đầu tiên ta thu được khẩu đại bác 105 ly của địch, làm nức lòng quân và dân cả nước. Đặc biệt trong trận này ta sử dụng loại hình trâu kéo pháo đã trở thành huyền thoại của chiến thắng Tầm Vu 4.

Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu ngày nay được xây dựng rất khang trang ở gần cầu Tầm Vu thuộc xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang; cách thành phố Cần Thơ khoảng 17 km về hướng tây nam theo Quốc lộ 61. Sừng sững giữa đất trời cao xanh lồng lộng là bức tượng đài cao 8 m khắc họa tình đoàn kết quân dân son sắt một lòng đồng tâm hợp lực tiêu diệt quân thù trong tiếng loa kèn thúc giục, bên cạnh là dãy phù điêu tái hiện hình ảnh của 4 trận Tầm Vu oanh liệt. Khẩu pháo 105 ly của địch còn đây như một chứng nhân lịch sử để kể cho hậu thế về huyền thoại Tầm Vu.

Phát huy truyền thống anh hùng, người dân Tầm Vu đã vượt lên khó khăn xây dựng cuộc sống mới trù phú. Xã Thạnh Xuân đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Về Tầm Vu hôm nay, hỏi ai không nao nao trong dạ khi nhớ về những trận đánh năm xưa để có được độc lập hôm nay? Hỏi ai không nhớ về những chiến sĩ giải phóng chân đất đầu trần nhưng kiên cường dũng cảm viết nên trang sử anh hùng. Ông Cao Vũ Bằng, một người dân ở ấp Xẻo Cao tự hào: “Mình là dân của một xã anh hùng, một xã văn hóa đầu tiên của huyện, lại là xã nông thôn mới, chúng tôi phải đoàn kết một lòng để giữ vững danh hiệu cao quý này”.

Phan Thị Anh Thư


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.