Di tích quốc gia đặc biệt chiến thắng Chương Thiện ở Hậu Giang
Chương Thiện là tên cũ (trước năm 1975) của tỉnh Hậu Giang ngày nay.
Địa phương này từng là một tỉnh dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, thành lập ngày 24-12-1960, khi ấy gồm các huyện Long Mỹ, Vị Thanh, một phần của huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), một phần của huyện Phước Long - Thạnh Trị (Sóc Trăng), huyện Ngan Dừa - Hồng Dân (Bạc Liêu). Nơi đây là cửa ngõ, điểm trung chuyển của tiểu vùng tây sông Hậu, nối liền các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá thời chiến tranh chống Mỹ. Do có vị trí chiến lược quan trọng, Chương Thiện từng là vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch.
Hiệp định Paris được ký kết năm 1973 song ngụy quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ không tuân thủ. Chúng ra sức bình định, lấn chiếm nhằm mục đích xóa bỏ vùng giải phóng, giành dân, lấn đất… Quân dân khu 9 từ tháng 1 đến tháng 11-1973 đã kiên cường bám trụ, chiến đấu dũng cảm, giữ vững được địa bàn. Quân địch đã mở nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô với nhiều thứ quân (sư 9, sư 21, sư 7, biệt động quân, thiết giáp, quân địa phương của các tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện, Sóc Trăng, Bạc Liêu) từ nhiều hướng đánh vào vùng giải phóng với sự chi viện của các giàn pháo 105, 155 ly đóng ở Long Mỹ, Cái Tắc, Phụng Hiệp. Máy bay chiến đấu của địch thực hiện ném bom hàng trăm vụ. Tuy nhiên, các cuộc càn quét của chúng đều vấp phải sự kháng cự quyết liệt của ta. Đến cuối năm 1973, bộ đội chủ lực của Quân khu 9 và quân dân Cần Thơ, cùng các tỉnh Sóc Trăng, Rạch Giá đã đánh bại 75 lượt tiểu đoàn địch bình định, lấn chiếm Chương Thiện - Long Mỹ, Vị Thanh… Kế hoạch bình định Chương Thiện, “nhổ cỏ U Minh” của địch bị phá sản, thất bại hoàn toàn, với những thiệt hại vô cùng to lớn, nặng nề.
Cụm tượng đài "Chiến thắng". |
Đánh bại 75 lượt tiểu đoàn địch trên chiến trường Chương Thiện, đập tan hoàn toàn Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch là chiến công vẻ vang của quân và dân khu 9. Chiến thắng Chương Thiện đã tạo tiền đề cho sự chuyển hướng của cách mạng miền Nam, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân 1975.
Đất nước giải phóng. Quê hương Hậu Giang ngày càng khởi sắc, thay da đổi thịt, không còn thấy những dấu vết, tàn tích của chiến tranh. Nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, các ngành hữu quan đã chọn khu vực 3, phường 5, thành phố Vị Thanh và điểm ấp 1 xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ làm địa điểm ghi dấu, lưu niệm sự kiện chiến thắng Chương Thiện của quân và dân khu 9 năm 1973. Do những giá trị mang tính biểu trưng của di tích, ngày 9-12-2013, Chính phủ đã quyết định công nhận, xếp hạng Di tích lịch sử Chiến thắng Chương Thiện (thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) là Di tích quốc gia đặc biệt.
Khu di tích nằm ở một vị trí thoáng đãng (tại địa điểm khu vực 3, phường 5, thành phố Vị Thanh) nhìn ra kinh xáng Xà No nhộn nhịp tàu ghe xuôi ngược, Khu di tích có diện tích hơn 144.000 m2, với các công trình, hạng mục: khu nhà trưng bày hiện vật trong nhà, khu trưng bày ngoài trời, tượng đài, sân hành lễ và một số hạng mục khác.
Toàn cảnh khu di tích. |
Từ cổng chính phía kinh xáng Xà No, du khách băng qua một khoảng sân rộng có nhiều cây cỏ, hoa kiểng đẹp sẽ đến nhà trưng bày khá hoành tráng. Nhà trưng bày có tượng của Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh nổi tiếng như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Anh, Phạm Văn Trà, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Phan Hộ... Nơi đây cũng trưng bày sa bàn mô phỏng toàn bộ thực địa vùng tranh chấp giữa ta và địch; các hình ảnh, tượng, hiện vật, mô tả lại hoạt động chống càn, phá đồn bót địch của dân và quân khu 9. Ở khu trưng bày ngoài trời có mái che, du khách sẽ được nhìn tận mắt những khí tài quân sự hiện đại thời ấy của địch bị ta bắn rơi, tịch thu như xe tăng M48, máy bay trực thăng vũ trang UH1A, máy bay vận tải chuyển quân “Sâu róm” hai chong chóng, tàu bay cao tốc LFC, máy bay ném bom chiến thuật A37, xe Zip chỉ huy, xe chuyển quân GMC và nhiều công cụ phục vụ chiến tranh khác
Cụm tượng đài “Chiến thắng” nổi bật trên gò cao gồm ba khối kiến trúc chính nối liền với khối giữa là tượng đài cao 21 m. Phía sau tượng đài là phù điêu, hình ảnh lá dừa nước cách điệu - biểu tượng của vùng sông rạch Hậu Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cụm tượng đài tượng trưng, biểu hiện ba thứ quân, ba mũi giáp công cùng những sự kiện nổi bật khác của hoạt động chiến tranh cách mạng, phong trào đấu tranh nổi dậy phối hợp với chiến tranh vũ trang nhân dân được tái hiện sinh động, hoành tráng.
Hoàng Thám
Ý kiến bạn đọc