Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ nghề thủ công truyền thống

17:32, 13/06/2020

Tác động của đời sống hiện đại khiến nhiều nghề chế tác các sản phẩm thủ công truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Đau đáu trước tình trạng này, nhiều nghệ nhân ở các buôn làng trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực gìn giữ, duy trì nghề truyền thống của dân tộc mình…

Ama Nen và bí quyết làm nỏ của người Êđê

Năm nay, dù ông Ama Nen ở buôn Tliêr (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn duy trì công việc chế tác nỏ truyền thống Êđê. Những chiếc nỏ do ông chế tác được các vận động viên sử dụng trong môn bắn nỏ tại Hội thao dân tộc thiểu số huyện Krông Bông tổ chức định kỳ 2 năm một lần.

Ama Nen hướng dẫn thao tác lên dây nỏ.   Ảnh: V.Tăng
Ama Nen hướng dẫn thao tác lên dây nỏ. Ảnh: V.Tăng

Trong trí nhớ của ông Ama Nen, để bảo vệ con người và mùa màng trước những loài thú rừng phá hoại, trước đây hầu như gia đình người Êđê nào cũng có một chiếc nỏ (Hna) làm vật phòng thân. Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, anh trai cả của Ama Nen là Ama Húy đã từng sử dụng chiếc nỏ như một vũ khí để tiêu diệt quân địch đi càn vào buôn đốt nhà của người dân. Đặc biệt, trong mỗi dịp sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, môn bắn nỏ đã trở thành môn thể thao không thể thiếu được bởi nó thể hiện sức mạnh của nam giới. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng hiện đại, do nhiều nguyên nhân nên vai trò của chiếc nỏ dần mai một trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có cả nguyên nhân do những người biết cách chế tác nỏ truyền thống không còn nhiều, vật liệu để làm nỏ cũng trở nên khan hiếm.

Đến nay, ông Ama Nen đã có gần 50 năm chế tác nỏ. Theo ông chia sẻ, chiếc nỏ truyền thống của người Êđê gồm 5 bộ phận chính: Thân nỏ, cánh nỏ, lẩy nỏ (hay còn gọi là cò), dây nỏ và mũi tên. Nỏ truyền thống của người Êđê không có báng cầm như một số nỏ của dân tộc khác… Để làm ra một chiếc nỏ chuẩn xác cao, Ama Nen mất khá nhiều thời gian, loại cây làm thân nỏ phải dẻo, chịu khô tốt không bị cong vênh, có khi đi rừng 2 - 3 ngày mới tìm được, sau đó mang về nhà hơ nóng trên lửa rồi cạo, uốn cánh nỏ. Để có được sợi dây nỏ vừa căng vừa bền, ông tự trồng cây gai lấy vỏ sau đó bện lại thành dây nên rất khó đứt… Mũi tên (Brăm) được làm từ cây nứa lấy từ trên núi cao, khi chặt nứa nếu thấy bên trong ruột có màu hồng hoặc ngả sang màu nâu sẫm thì cây nứa đó đủ tiêu chuẩn để vót mũi tên, tránh sử dụng những cây nứa gần nguồn nước vì sau một thời gian ngắn mũi tên sẽ bị biến dạng. Để mũi tên đạt độ chuẩn xác cao thì khi vót tên cần phải tính toán kỹ lưỡng từ độ dài, kích cỡ cho đến việc chọn gắn vật liệu cánh ở phần đuôi của mũi tên, khi lẩy cò mũi tên sẽ bay thẳng đến mục tiêu.

Những bí quyết làm nỏ truyền thống được Ama Nen dạy lại cho hai con trai Y Nen và Y Vinh. Ông cũng là người truyền lửa đam mê bắn nỏ cho các con, Y Nen và Y Vinh đều là vận động viên bắn nỏ rất cừ của địa phương, từ năm 2003 đến nay cả hai luôn đoạt giải cao môn bắn nỏ trong các hội thao do huyện tổ chức.

Hai năm gần đây, Ama Nen đã chế tác trên 10 chiếc nỏ bán cho vận động viên của các xã. Để tránh việc sử dụng nỏ vào mục đích săn bắn trái phép, ông chỉ bán nỏ cho những người được Phòng Văn hóa - Thông tin hoặc lãnh đạo của địa phương giới thiệu. Ông Nguyễn Thái Nguyên, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Bông nhận xét: Bắn nỏ là một trong những môn thi chính của các kỳ đại hội thể dục thể thao và hội thao dân tộc thiểu số của huyện. Các vận động viên thường sử dụng nỏ do ông Ama Nen chế tác vì tính ổn định cao.

Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm

Đứng trước nguy cơ mai một của nghề dệt thổ cẩm, nhiều phụ nữ Êđê tại xã Krông Jing (huyện M’Đrắk) vẫn quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc mình. Tranh thủ lúc nông nhàn, các bà, các mẹ lại miệt mài bên khung dệt tạo nên những tấm vải thổ cẩm để may váy, áo, túi, chăn... phục vụ nhu cầu trong gia đình và bán cho khách hàng có nhu cầu.

Amí Zon (buôn Êa Tlu, xã Krông Jing) bên khung dệt.  Ảnh: T.Diệp
Amí Zon (buôn Êa Tlu, xã Krông Jing) bên khung dệt. Ảnh: T.Diệp

Năm nay đã 65 tuổi nhưng ngày ngày Amí Lui (ở buôn M’Trưng, xã Krông Jing) vẫn cặm cụi bên khung dệt, tạo nên những tấm vải thổ cẩm sặc sỡ. Ngay từ nhỏ, Amí Lui đã làm quen với khung dệt, được mẹ dạy cho những bước đơn giản từ cách se chỉ đến tạo hoa văn để dệt váy, địu, khố, chăn… sử dụng trong gia đình. Theo thời gian, từng đường chỉ, từng nét hoa văn như ngấm vào máu, gắn bó với cuộc sống của bà cho đến nay. Mỗi tấm vải phải tốn rất nhiều thời gian mới hoàn thành, thậm chí nhiều tấm hoa văn khó, độc đáo để may khố váy dùng trong những dịp lễ quan trọng phải mất cả tháng mới hoàn thành song giá bán chỉ từ 1,3 – 1,5 triệu đồng/tấm. Mất công, thu nhập chẳng được là bao nhưng Amí Lui vẫn duy trì nghề truyền thống vì đam mê và mong muốn lưu giữ lại nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Tương tự, Amí Per (ở buôn M’Trưng) cũng đã có hơn 60 năm gắn bó với khung dệt thổ cẩm và nay dù đã xấp xỉ tuổi 80 bà vẫn đăm đắm với nghề. Làm quen với khung dệt và sợi chỉ màu từ năm 14 tuổi, Amí Per tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm và là một trong những nghệ nhân dệt có tay nghề giỏi trong buôn. Amí Per chia sẻ, để dệt được tấm vải thổ cẩm đẹp đòi hỏi người dệt phải trải qua nhiều công đoạn, tất cả mọi khâu đều phải làm thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo để tạo nên những hoa văn như cây cỏ, con người, muông thú… Trước đây, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình nhưng hiện nay, những tấm vải dệt công phu được nhiều người ở địa phương khác như TP. Buôn Ma Thuột, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh yêu thích và đặt mua đã giúp gia đình Amí Per có thêm nguồn thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Bà hy vọng việc sống được bằng nghề không chỉ cải thiện kinh tế gia đình mà quan trọng hơn sẽ tạo động lực, khơi gợi sự đam mê cho các con tiếp nối nghề truyền thống.

Viết Tăng – Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.