Multimedia Đọc Báo in

Người nặng lòng với sử thi Tây Nguyên

09:53, 12/06/2020

GS.TS Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam) ra đi là một mất mát lớn đối với giới nghiên cứu khoa học Việt Nam.

Có thể nói ông là học giả tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu nông cụ, trang phục, hát văn, lên đồng và đạo mẫu dân gian Việt Nam. Đặc biệt, ông là một trong những người có công lao đóng góp đáng trân trọng trong việc đưa sử thi Tây Nguyên sống lại trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Còn nhớ đầu năm 2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” - và GS.TS Ngô Đức Thịnh là người được giao trọng trách thực hiện dự án này cùng với nhiều đồng nghiệp, học giả của Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian. Khi dự án bắt đầu khởi động, tôi đã có dịp theo ông đi gặp gỡ một số nghệ nhân hát kể Khan (của người Êđê), H’mon (người Jrai) và Ot N’rông (người M’nông) trong các buôn, bon, làng Tây Nguyên. Theo ông, chỉ thông qua họ (chủ nhân của vốn di sản qúy báu và đồ sộ này) mới có cơ sở đánh giá và khảo sát nguồn sử thi hiện có.

GS.TS Ngô Đức Thịnh. (Ảnh: TTXVN)
GS.TS Ngô Đức Thịnh. (Ảnh: TTXVN)

Đi và làm việc với GS.TS Ngô Đức Thịnh, tôi nhận ra ở nhà nghiên cứu đáng kính ấy có những mối quan tâm, trách nhiệm đặc biệt - là phải tìm cho được những nghệ nhân hát kể sử thi tiêu biểu, sau đó mời họ cộng tác, tập huấn nhằm nâng cao phương pháp nghiên cứu một cách cẩn trọng và bài bản. Trong đó, ông luôn yêu cầu mọi người hợp tác, thực hiện dự án cần đặc biệt chú trọng đến yếu tố ngôn ngữ, văn hóa bản địa của 4 tộc người cơ bản (Êđê, Jrai, Bana và M’nông) để bảo đảm tính chính xác và khoa học trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch và xuất bản… Nhất là về vấn đề dịch và chú giải sử thi, ông yêu cầu càng trung thực càng tốt, bởi trước đó phần lớn sử thi Tây Nguyên được sưu tầm, phát hiện đều thông qua những người làm văn hóa ở địa phương. Chẳng hạn, sử thi của một dân tộc nào đó được các nhà nghiên cứu, sưu tầm được, nhưng khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, do không hiểu thấu đáo về vốn văn hóa, xã hội, bối cảnh lịch sử cũng như tín ngưỡng, phong tục, tập quán của dân tộc ấy nên tác phẩm dịch ra đã không còn mang gương mặt chân thật vốn có của nó nữa.

GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, tất cả sử thi Tây Nguyên đã sưu tầm và biên dịch trước đây mà không có văn bản ngôn ngữ gốc để so sánh, đối chiếu nhằm tạo sự thuyết phục thì buộc phải làm lại từ đầu. Ông tâm niệm sử thi Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và để cho mọi người (trong nước và quốc tế) công nhận thì đòi hỏi những người thực hiện dự án không được phép cẩu thả, qua loa trong bất cứ khâu nào khi điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản.

Nhiều lần ông tâm sự: “Mình đi nhiều nơi nghiên cứu và tìm hiểu, nhưng phải công nhận rằng sử thi Tây Nguyên vô cùng đặc sắc và độc đáo vì nó vẫn sống trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng, chứ không phải là “sử thi chết” như Karevela của Phần Lan, hay Odixe Iliat của Hy lạp. Vì thế việc tìm cách đưa sử thi trở lại với cộng đồng các dân tộc ở đây là vấn đề được nhiều người tha thiết, quan tâm”.

GS.TS Ngô Đức Thịnh sinh năm 1944 tại xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam), đã từng giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian, Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á. Ông từ trần ngày 6-6-2020 tại Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi. 

Còn vì sao phải “tìm cách” trong khi nó vẫn sống trong đời sống cộng đồng? Nhà nghiên cứu giàu tâm huyết này cắt nghĩa: Sử thi Tây Nguyên chỉ tồn tại trong điều kiện xã hội - lịch sử nhất định, bởi chủ thể của nó là cư dân của nền nông nghiệp truyền thống độc canh cây lúa trên nương rẫy. Xã hội của những tộc người thiểu số Tây Nguyên có những đặc điểm của chế độ công xã nông thôn thời kỳ đầu, nhưng còn bảo lưu rất nhiều những dấu vết của xã hội nguyên thủy với chế độ mẫu hệ rõ nét với vai trò điều hành toàn diện đối với cộng đồng của già làng và luật tục luôn được coi trọng. Tín ngưỡng vạn vật hữu linh và sự sùng bái, thần thánh hóa các lực lượng siêu nhiên của con người luôn hiện hữu. Cuối cùng là mối quan hệ liền mạch giữa thế giới con cháu đang sống và cha ông đã chết - giữa quá khứ với hiện tại - vô hình và hữu hình trong mỗi cộng đồng làng, buôn, bon bao giờ cũng được xác tín và tiếp nhận một cách tự nhiên.

Tất cả đó là điều kiện, là mắt xích không thể thiếu trong môi trường sống (cũng là không gian văn hoá - lịch sử) của đồng bào Tây Nguyên ngày trước nhằm nuôi dưỡng sức sống cho sử thi. Giờ đây môi trường ấy đã thay đổi, thậm chí không còn; thêm vào đó những nghệ nhân biết hát, kể sử thi cũng ngày càng ít đi, hoặc nếu còn thì cũng ít có cơ hội để thể hiện, nên sử thi dần biến mất khỏi đời sống cộng đồng. Chính vì thế việc đưa sử thi trở lại với buôn làng là điều quan trọng và cấp bách.

Sau 3 năm thực hiện dự án, có khoảng 70 sử thi Tây Nguyên được biên dịch, xuất bản và đưa về cho buôn làng và hệ thống quản lý văn hóa - giáo dục các cấp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa cho các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ. Tại Hội thảo quốc tế sử thi Tây Nguyên được tổ chức vào trung tuần tháng 10-2010 tại TP. Buôn Ma Thuột, GS.TS Ngô Đức Thịnh dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn vào tham dự và chia vui với thành quả trên. Tôi lại được gặp lần này (và cũng là lần cuối) với vị giáo sư khả kính ấy, nghe ông còn băn khoăn một lẽ: Sử thi Tây Nguyên đã hiện diện trong đời sống buôn làng, nhưng không hiểu sao người hát, kể sử thi vẫn chưa thấy nhiều. Hay nói cách khác là vốn di sản này chưa thật sự có một đời sống mới trong dòng chảy văn hóa đương đại Việt Nam khiến ông ưu tư hơn.

Niềm ưu tư ấy của ông cũng là mối quan tâm, trách nhiệm của những ai tiếp tục khơi dòng sử thi Tây Nguyên để hòa chung với dòng chảy văn hóa Việt Nam đa dạng và giàu bản sắc.

Đình Đối

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.