Multimedia Đọc Báo in

"Người thật việc thật" để bảo tồn văn hóa

13:51, 07/06/2020

Huyện Krông Pắc hiện có 198.008 người với 23 dân tộc cùng sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 32,4%, sinh sống chủ yếu tại 63 buôn, tập trung tại các xã Ea Knuếc, Ea Hiu, Krông Búk, Ea Yông…

Mỗi dân tộc mang nét đặc trưng riêng trong sinh hoạt văn hóa truyền thống, tạo thành bức tranh văn hóa đa dạng, sinh động… Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhất là thiếu không gian sinh hoạt mà văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đang dần bị mai một.

Trước thực tế đó, Chính quyền và người dân huyện Krông Pắc đang nỗ lực gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của người dân theo hướng “người thật việc thật”.

Huyện Krông Pắc đã có nhiều nỗ lực, trong đó tập trung đào tạo nhân lực, gìn giữ hiện vật và gây dựng các hoạt động văn hóa cho người dân. Theo đó, huyện đã lồng ghép nội dung bảo tồn văn hóa truyền thống vào công tác tuyên truyền về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các chương trình liên hoan, văn nghệ, hội thi; qua tranh cổ động, panô, áp phích, khẩu hiệu; nêu gương người tốt, việc tốt. Hay như qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” đã lồng ghép nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và và các lễ hội…

Các nghệ nhân xã Tân Tiến chia sẻ niềm vui gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống với cán bộ văn hóa huyện.
Các nghệ nhân xã Tân Tiến chia sẻ niềm vui gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống với cán bộ văn hóa huyện.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, địa phương hiện còn khoảng 80 bộ chiêng, 150 nghệ nhân biết sử dụng cồng chiêng, 20 đội chiêng trẻ, duy trì hiệu quả một câu lạc bộ cồng chiêng… 25 nghệ nhân ưu tú, điển hình được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm hằng năm để làm người truyền nghề. Nhờ đó, trung bình mỗi năm huyện tổ chức được 12 lớp dạy đánh chiêng trẻ, đàn tính, hát then, dệt thổ cẩm… Ngoài ra, huyện còn tiếp nhận, chuyển giao 5 bộ chiêng do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức hằng năm như: Lễ cúng lúa mới của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều xã Ea Hiu; Lễ cúng bến nước ở xã Ea Knuếc và xã Ea Yông; Lễ hội lồng tồng tại xã Ea Yông, Krông Búk; Lễ hội võ vật truyền thống xã Vụ Bổn… Hoạt động văn hóa truyền thống đang có những chuyển biến tích cực tại các địa phương.

Ông Nguyễn Đình Hải, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Pắc nhấn mạnh: Bảo tồn văn hóa truyền thống phải thực hiện theo hướng “người thật việc thật”, nghĩa là để cho người dân tự tái hiện lại các hoạt động văn hóa để họ cảm nhận được giá trị riêng biệt, độc đáo trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ông Trần Quốc Dũng, cán bộ văn hóa xã Tân Tiến cho biết, toàn xã hiện đang lưu giữ 28 bộ chiêng trong dân, với 3 đội chiêng hoạt động thường xuyên gồm 27 nghệ nhân. Đa số nghệ nhân đều đã trên 60 tuổi nên hằng năm, xã đều tổ chức một lớp dạy chiêng cho các em nhỏ vào dịp hè. Để tạo sân chơi, giao lưu, quảng bá sự đa dạng văn hóa truyền thống của đồng bào Êđê, xã đang phục hồi nghề dệt thổ cẩm trong dân. Đồng thời cắt cử các nghệ nhân dệt thổ cẩm, đội chiêng tham gia dự thi dệt thổ cẩm, biểu diễn cồng chiêng tại các sự kiện văn hóa xã hội trên địa bàn.

Lớp dạy nghề  dệt thổ cẩm  ở xã Ea Knuếc.
Lớp dạy nghề dệt thổ cẩm ở xã Ea Knuếc.

Tự hào khi trở thành người dạy cồng chiêng trong nhiều năm qua, ông Y Khiêm Byă (buôn Kplang, xã Tân Tiến) bày tỏ, nhờ đam mê âm nhạc, đam mê cồng chiêng mà hình ảnh các nghệ nhân trình tấu cồng chiêng trong các ngày lễ của buôn làng luôn hiện hữu trong tâm trí ông. Do đó, ông đã miệt mài tìm hiểu, tự mày mò làm chiêng tre để luyện tập cùng bạn bè. Cũng chính từ niềm đam mê cồng chiêng mà ông được kết nối, giao lưu với các nghệ nhân khác để học thẩm âm, tìm hiểu, sử dụng các nhạc cụ truyền thống của dân tộc… Hiện tại, không chỉ biết đánh chiêng, ông còn biết chỉnh chiêng, chế tác chiêng tre, đing năm, đing tut... và trở thành người thầy của nhiều thế hệ chiêng trẻ trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Đình Hải, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Pắc cho biết, mặc dù huyện đã cố gắng lồng ghép công tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa truyền thống với nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa trên địa bàn nhưng mối lo văn hóa truyền thống bị mai một vẫn hiện hữu. Bởi lớp trẻ hiện nay không còn mặn mà với văn hóa truyền thống và bản thân văn hóa truyền thống cần có không gian để bảo tồn, phát huy. Thời gian tới huyện tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tổ chức, tái hiện những hoạt động văn hóa riêng như cúng mừng lúa mới, cúng bến nước, lễ hội vật, ngày hội văn hóa dân tộc… để tạo không gian sống cho văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.