Multimedia Đọc Báo in

Thăm ngôi đền Mẫu trên vùng đất Tổ

09:22, 28/06/2020

Cách trung tâm xã Văn Lang (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) 7 km, đền Mẫu Nam Sang tọa lạc dưới chân núi Am là ngôi đền gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu ở vùng quê đất Tổ Phú Thọ, là điểm đến tâm linh của đông đảo du khách thập phương.

Đền Mẫu Nam Sang nằm dưới chân ngọn núi Am, nhìn ra hướng Đông, phía trước là cánh đồng Thóc phì nhiêu, bằng phẳng, bạt ngàn lúa ngô.

Theo bản dịch Bia ghi Thần tích xã Văn Lang, phả về vị đại vương và công chúa là công thần triều Trưng nữ vương tại đền, vào thời Hùng Vương thứ 18, ở đất Đường Lâm có ông họ Lê, tên húy là Tuân lấy bà Đặng Thị Tố, người cùng quận.

Ông làm nghề dạy học, bà làm khâu vá. Ông bà tuổi đã cao mà vẫn chưa có con nên thường phát tâm công đức, cứu giúp người nghèo, tìm đến những nơi đền thiêng cầu đảo. Nghe tin ở trang Văn Lang, huyện Hạ Hoa, phủ Thao Giang, đạo Sơn Tây có một ngôi đền rất thiêng, cầu gì đều được như ý, ông bà liền tìm đến.

Lễ xong, do trời tối, không về được, ông bà liền xin ngủ lại dưới chân miếu. Cuối canh ba, bà Đặng bỗng mơ thấy một người phụ nữ tuổi chừng 20, tay cầm hai cành hoa đào, trao cho và nói: “Vợ chồng ngươi có đức dầy, được trời biết đến mà ban cho hai vị Thành hoàng của bản trang, nở hoa sinh con gái, kết quả sinh con trai, nữ làm cung phi, nam làm khanh tướng”. Nói xong thì biến mất. Bà Đặng liền đưa hai tay đón xin cả hai cành đào từ người phụ nữ. Sau đó, bà Đặng có mang, sinh ra một trai, một gái, tư chất đĩnh ngộ, tướng mạo khôi ngô liền đặt tên là Ả Lan và Anh Tuấn. Năm 16 tuổi, Lan nương phong thái yểu điệu, nhan sắc yêu kiều, Tuấn công học hành thông minh, đọc hiểu binh thư, lại giỏi võ nghệ.

Được tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, hai chị em đã cùng mọi người kéo về Hát Môn, Phúc Thọ - Sơn Tây hưởng ứng, được giao làm tướng tiên phong, đem quân đánh giặc ở xứ Thao Giang. Bằng hai cánh quân thủy bộ, đội quân của Lê Ả Lan - Lê Anh Tuấn đi đến đâu, quan quân Đông Hán tan tác đến đó. Khi tới trang Văn Lang, kẻ thù cũng cuống cuồng rút chạy. Lê Ả Lan đem quân đóng giữ vùng Ao Trời (thuộc Quân Khên, Hạ Hòa ngày nay), còn Lê Anh Tuấn được giao làm phó tướng, đóng quân ở thung lũng chân núi. Họ đưa quân lên đỉnh núi Am đào ao, dựng cột cờ, trồng lúa ở cánh đồng trước mặt. Từ đó, cánh đồng lúa được mùa nên đã được đổi tên từ đồng Mười sang đồng Thóc.

Nét cổ kính của đền Mẫu.
Nét cổ kính của đền Mẫu.

Tháng giêng năm ấy, Lê Ả Lan cho dân giã gạo nếp, thổi xôi, làm bánh dày, bánh út, mổ trâu mở hội múa kiếm khao quân. Sau đó, hai chị em được lệnh tiến xuống giải phóng Luy Lâu (Bắc Ninh). Sau chiến thắng, hai chị em được phong ấp ở đất Đường Lâm và được trở lại đóng ở Văn Lang. Mấy năm sau, vào ngày 25 tháng 8 âm lịch, cả hai chị em đều mất ở núi Ao Trời. Tương truyền còn kể rằng, khi thắng trận trở về lại đất Văn Lang, khi nhân dân mổ trâu vui mừng đón hai chị em tướng quân thì đi đến giữa đường, trời nổi cơn giông bão, mưa to, hai chị em Ả Lan và Anh Tuấn đã hóa về trời, để lại hai nấm đất mối đã đắp cao. Từ đó về sau, vô cùng linh ứng nên được nhiều đời đế vương gia phong mĩ tự, cho phép trang Văn Lang phụng thờ, đền thờ hai vị là Di tích lịch sử cấp Quốc gia đền Nghè (Văn Lang).

Như vậy, có thể thấy rằng, ngôi đền Mẫu Nam Sang có từ rất xa xưa, khó xác định được niên đại, có thể có từ trên 2.000 năm trước. Xưa kia, ngôi đền là một ngôi miếu nhỏ dựng bằng bốn cọc gỗ, lợp bằng lá cọ, vách nứa. Gian thờ Mẫu được thiết kế là một sạp phía trên cao, một kiểu gian thờ thường thấy trên vùng đất Tổ Phú Thọ. Đến năm 1985, với đóng góp của nhân dân Văn Lang và quanh vùng, đền Mẫu Nam Sang được xây dựng khang trang. Bên trong đền có hai ban thờ; ban thờ phía trên thờ Đức Thánh Mẫu, người đã ban cho đất Văn Lang hai vị tướng quân. Ban thờ phía dưới thờ hội đồng các quan. Lễ chính của đền là ngày rằm tháng tám hằng năm. Lễ vật dâng Mẫu trong chính lễ gồm lễ mặn xôi gà, rượu và lễ chay gồm hoa quả, bánh...

Đền Mẫu Nam Sang là điểm đến tâm linh của du khách thập phương, là cội nguồn sâu xa sự tri ân công đức của Thánh Mẫu, người đã ban cho làng Văn Lang, cho dân tộc hai vị thành hoàng làng, hai vị anh hùng dân tộc. Ngôi đền còn gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, một nét văn hóa cổ truyền trên vùng đất Hạ Hòa.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.