Multimedia Đọc Báo in

Về nơi suối nguồn cách mạng

18:48, 20/06/2020

Suối Lênin, hang Cốc Bó với những câu thơ của Bác Hồ: “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lênin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà” là những hình ảnh ấn tượng với mỗi con người Việt Nam khi nói về nơi cội nguồn cách mạng Pác Bó (thuộc xã biên giới Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng).

Khu di tích rộng trên 295 ha, với trên 46 điểm di tích và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Đền thờ Bác Hồ trên đồi cao gần cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh. Đền thờ tọa lạc trên ngọn núi Tếnh Chấy linh thiêng, thuộc khu vực trung tâm của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Dưới chân núi là dòng suối Lênin trong xanh chảy từ đầu nguồn Cốc Bó ôm lấy núi Tếnh Chấy.

Đền thờ Bác Hồ thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc của người dân đất Việt nói chung và nhân dân Cao Bằng nói riêng hướng về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Sau một năm khởi công, công trình khánh thành đúng dịp kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2011). Bên trong Đền thờ được ốp bằng đá hồng ngọc; nơi bàn thờ gian giữa là bức tượng Bác Hồ được đúc bằng hợp kim đồng cao 1,8 m, nặng 1,26 tấn. Phía trên cao là bức hoành phi khắc bốn chữ mạ vàng “Hồng nhật cao minh” nói lên công lao to lớn của vị lãnh tụ kính yêu.

Trên hai cột cạnh bàn thờ là đôi câu đối: “Lãnh tụ trở về, nhật nguyệt bừng lên trời Pác Bó/ Anh hùng tụ lại, tinh hoa rực sáng đất Cao Bằng”. Bốn bức tường trong Đền thờ Bác là bốn bức phù điêu lớn bằng đá hồng ngọc, diễn tả cảnh quan bốn địa danh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Người: Pác Bó, Khu rừng Trần Hưng Đạo, Cây đa Tân Trào và Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Các  đoàn khách muôn phương  đến  dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ  ở Khu di tích  Quốc gia đặc biệt  Pác Bó.
Các đoàn khách muôn phương đến dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.

 

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó cũng là điểm đầu, nơi đặt “Km 0” của con đường huyết mạch và lịch sử - Đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ dài nhất Việt Nam, đi qua 30 tỉnh, thành phố, nối thông đến Đất Mũi (Cà Mau). 

Rời Đền thờ Bác Hồ, chúng tôi đến thăm hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là đầu nguồn), nơi Bác Hồ và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 8-2-1941 đến trung tuần tháng 3-1941. Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Bác Hồ đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội đủ cả “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Từ đây, Pác Bó trở thành “đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, trở thành cái nôi của cách mạng Việt Nam. Hang Cốc Bó nằm chếch phía trên miệng suối Lênin chảy ra từ lòng núi đá. Dòng suối trong xanh màu ngọc bích, có thể nhìn rõ từng viên đá ở đáy và đàn cá tung tăng bơi lội bên dưới. Hang Cốc Bó rộng khoảng 80 m2, có chiều cao trên 7 m, cửa hang chỉ một người đi vừa. Trong hang, tấm ván Bác Hồ từng nằm nghỉ vẫn được giữ nguyên vẹn. Hòn đá Bác kê làm bếp nấu cơm, cây ổi Bác hái lá đun nước uống thay chè vẫn còn đó. Nơi Bác thường ngồi câu cá sau mỗi giờ làm việc mệt nhọc, chiếc bàn đá “chông chênh” chỉ đủ kê một chiếc máy chữ để Bác ngồi “dịch sử Đảng”... là những hình ảnh gây xúc động với mỗi ai đến thăm nơi này.

Du khách thăm bàn đá nơi Bác Hồ từng ngồi
Du khách thăm bàn đá nơi Bác Hồ từng ngồi "dịch sử Đảng" tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.

Cách hang Cốc Bó khoảng 1.000 m, có một lán nhỏ bên sườn núi Khuổi Nậm. Nơi đây, Bác Hồ triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8, ra Nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, thành lập Việt Minh và Chiến khu cách mạng... Tất cả gắn kết hài hòa giữa cảnh quan non nước hữu tình, đẹp như tranh vẽ. Cột mốc 108 – nơi in dấu chân Bác Hồ trở về sau 30 năm xa Tổ quốc tìm đường cứu nước, nằm trên biên giới Việt - Trung được làm bằng đá nguyên khối, hình bầu dục, cao khoảng 70 cm. Muốn lên cột mốc 108 phải đi men theo suối Lênin, ngang qua hang Cốc Bó.

Một lần đến Pác Bó với bản thân tôi và nhiều người khác, đó là một chuyến về nguồn đầy cảm xúc để hiểu thêm về con người, lối sống và ý chí kiên cường của Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Để rồi từ đó những người con đất Việt, đặc biệt là lớp trẻ hay cụ thể hơn là những phóng viên trẻ như chúng tôi càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình trước cộng đồng xã hội.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.