Multimedia Đọc Báo in

Văn học Đắk Lắk: Để đến gần hơn bạn đọc trong trường phổ thông

14:18, 04/07/2020

Hiện nay phần văn học địa phương Đắk Lắk chỉ được đưa vào chương trình giảng dạy của bậc trung học cơ sở với thời lượng còn rất khiêm tốn: tổng cộng 17 tiết cho bốn khối lớp 6, 7, 8, 9.

Bên cạnh một số tiết về văn học dân gian, giới thiệu ngôn ngữ, văn hóa, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, các tác giả đương đại ở Đắk Lắk được đưa vào giảng dạy trong chương trình trung học cơ sở gồm: “Mùa xuân ơi, tới đi” của Linh Nga Niê Kdăm, “Bác Hồ với Tây Nguyên” của Y Ngông Niê Kdăm. Mảng thơ hầu như khuyết thiếu, trong khi đó trên thực tế thơ ca Đắk Lắk nổi trội với nhiều tác giả tên tuổi như Hữu Chỉnh, Phạm Doanh, Đặng Bá Tiến, Văn Thảnh, Bùi Minh Vũ, Lê Vĩnh Tài… Đặc biệt, hai tác phẩm thơ phản ánh vẻ đẹp cuộc sống và con người Đắk Lắk đạt giải thưởng gần đây rất đáng lưu tâm, đó là Trường ca “Rừng cổ tích” của Đặng Bá Tiến và “Màu thổ cẩm” của Bùi Minh Vũ. 

Thiết nghĩ, tới đây trong quá trình đổi mới sách giáo khoa, đổi mới quá trình giảng dạy văn học ở nhà trường phổ thông, các nhà nghiên cứu văn học, biên soạn sách giáo khoa, chương trình dạy - học văn học địa phương Đắk Lắk cần bổ sung thêm các tác phẩm ưu tú khác, nhất là những tác phẩm thơ phản ánh vẻ đẹp về vùng đất Tây Nguyên cũng như những nét văn hóa mang đậm dấu ấn địa phương Đắk Lắk.

 Một số  tác phẩm  tiêu biểu  của các  tác giả  Đắk Lắk.
Một số tác phẩm tiêu biểu của các tác giả Đắk Lắk.

Ngoài chương trình dạy - học văn học địa phương Đắk Lắk với 17 tiết còn quá ít, nhịp cầu nối giữa các tác giả văn học tỉnh nhà và độc giả ở trường phổ thông chủ yếu thông qua Tạp chí Cư Yang Sin - Tạp chí sáng tác, nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật của Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk xuất bản hằng tháng với 500 bản in. Dù tạp chí đã tập hợp đội ngũ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật trên toàn tỉnh và khắp cả nước để có những trang viết sinh động, hấp dẫn nhất song tạp chí Cư Yang Sin lại chưa phát hành đến trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Tác phẩm của đội ngũ sáng tác văn học trên địa bàn tỉnh vẫn còn quá xa lạ với bạn đọc ở các trường phổ thông. Hiện nay, ngoài hai tác giả được giới thiệu, giảng dạy bắt buộc trong chương trình, phần lớn các nhà văn, nhà thơ còn lại thì hầu như đội ngũ giáo viên và học sinh rất ít biết đến.

Thiết nghĩ, để giới thiệu rộng rãi hơn sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình trên địa bàn tỉnh đến giáo viên và học sinh ở trường phổ thông, Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk cần phát huy hơn nữa vai trò kết nối của mình. Cụ thể, cần tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học nhân các ngày lễ lớn trong năm hoặc liên quan đến ngành giáo dục. Trên cơ sở đó, Hội nên gửi thư mời tham gia dự thi đến các trường học trên địa bàn toàn tỉnh để tìm ra những tác giả mới là giáo viên, học sinh có năng khiếu văn học. Khuyến khích, kêu gọi và khích lệ thầy cô giáo, học sinh gửi bài cộng tác. Đó chính là điều kiện để bạn đọc nhà trường phổ thông tiếp cận, gắn bó hơn với văn học địa phương, bổ sung nguồn lực hội viên, góp phần trẻ hóa đội ngũ sáng tác văn học cho tỉnh nhà.

Mặt khác, Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk cần phối hợp với Sở GD-ĐT phát hành Tạp chí Cư Yang Sin đến tay bạn đọc ở các trường phổ thông. Đây là điều kiện giúp cho đội ngũ giáo viên và học sinh có những hiểu biết về các nhà văn, nhà thơ địa phương đương đại. Đồng thời, tăng cường tổ chức những buổi giao lưu văn học với các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Tùy theo mỗi cấp học, Hội cần tổ chức cho các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học nghệ thuật đến giao lưu, qua đó vừa tuyên truyền các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước như Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4; Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5; Quốc khánh 2-9… Từ đó, các tác giả - tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại nói chung và văn học địa phương Đắk Lắk nói riêng được đội ngũ giáo viên và học sinh biết đến nhiều hơn.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.