Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch
10:01, 02/08/2020
Nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển du lịch Đắk Lắk theo hướng hiệu quả và bền vững luôn được chính quyền địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm.
Chú trọng công tác đào tạo
Ngày 13-2-2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 886/ KH-UBND về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2017 – 2020 nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành kinh tế quan trọng này. Kế hoạch trên đã nhận được sự quan tâm, triển khai tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cộng đồng làm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL), nếu như trước năm 2017, nguồn nhân lực phục vụ du lịch có gần 70% chưa qua đào tạo thì đến nay chỉ còn khoảng 20%. Có nghĩa là hơn 3.000 lao động trực tiếp tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp thông qua các kênh của Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch tỉnh, Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, cộng đồng doanh nghiệp tự thân kết nối chương trình đào tạo với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề du lịch trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Ông Lê Minh Hảo, Phó Phòng Quản lý du lịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, ngoài hàng chục lớp đào tạo ngắn hạn của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch, sở chủ quản còn kết hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức được 18 lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý, phục vụ du lịch cho gần 1.400 học viên đến từ các cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch trên địa bàn trọng điểm. Nhờ vậy, chất lượng (sản phẩm, chương trình cũng như cung cách phục vụ) tại hầu hết điểm đến du lịch ở đây được cải thiện và nâng cao so với trước.
Một góc Khu du lịch sinh thái Ako Ea (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hữu Hùng |
Nhìn nhận về điều này, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Kô Tam chia sẻ: Đã là doanh nghiệp làm du lịch thì nhất thiết phải chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực nhằm phục vụ mục tiêu phát triển của mình. Hơn 2 năm qua, công ty đã mở 6 lớp học cho đội ngũ nhân viên quản lý, chế biến ẩm thực, trình diễn văn hóa - văn nghệ dân gian để phục vụ du khách chu đáo và bài bản hơn. Nói cách khác, mọi hoạt động du lịch tại đây ngày càng thực sự chuyên nghiệp, góp phần khẳng định thương hiệu cho doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk đánh giá: Đến nay, hầu hết các đơn vị làm du lịch - từ cơ sở lưu trú, dịch vụ, nhà hàng, lữ hành cho đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động mở nhiều lớp (khóa) học nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lao động tại chỗ để không ngừng cải thiện hình ảnh, vị thế của mình trên bản đồ du lịch vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Không còn tình trạng ngồi chờ, hoặc “ăn theo” các chương trình đào tạo, tập huấn do nhà nước chi tiền tổ chức hằng năm.
Cộng đồng trách nhiệm
Trong báo cáo về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển du lịch Đắk Lắk năm 2019, Sở VH-TT-DL nhìn nhận, một số đơn vị làm du lịch vẫn chưa coi trọng vấn đề trên, nhất là trong việc tuyển dụng người lao động vào làm việc trong ngành du lịch; chưa gạt bỏ tâm lý, tư duy theo kiểu tính toán hơn thiệt, “ăn xổi ở thì”, chỉ lo thu được nguồn lợi lớn nhất cho mình, mà quên rằng yếu tố con người mới làm nên thương hiệu, đẳng cấp cho doanh nghiệp.
|
Nói thêm về điều này, ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Đam San thẳng thắn chỉ ra: Thay vì bỏ một khoản kinh phí tương xứng để tuyển dụng, thu hút lực lượng lao động đã qua đào tạo vào làm việc để nâng cao chất lượng phục vụ, khẳng định hình ảnh, vị thế của mình trong lòng du khách, thì không ít doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh lại chọn giải pháp “tiết kiệm” bằng cách đưa những người tay ngang và phổ thông vào làm du lịch.
Tất nhiên, với cách làm đó, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí, nhưng hệ lụy kéo theo rất khó lường do tính chất cạnh tranh thị trường chi phối. Ông Cơ dẫn chứng, khi du khách vào một nhà hàng, khách sạn, hay khu/điểm du lịch nào đó có đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp thì chắc chắn sẽ hài lòng hơn so với những nơi lao động phổ thông phục vụ đại khái - và cuối cùng, rất rõ ràng là sự chọn lựa của du khách quyết định sự thành bại của doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề. Vì thế yếu tố con người, hay nói rộng ra, nguồn nhân lực là vấn đề “sống còn”, không thể hời hợt bỏ qua đối với bất kỳ doanh nghiệp làm du lịch nào trong bối cảnh hiện nay.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc