Multimedia Đọc Báo in

Những làng nghề ở xứ Tân Châu

08:35, 09/08/2020
Thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) hình thành từ năm 1757, ngày nay là đô thị trẻ sát biên giới Tây Nam với nhiều tiềm năng phát triển. Trải qua hơn 260 năm, vùng đất Tân Châu có nhiều giá trị văn hóa độc đáo, không chỉ là những di tích, lễ hội, nghệ thuật… mà còn có những phương thức mưu sinh sáng tạo để ngày nay trở thành những làng nghề truyền thống vang danh khắp gần xa.
 
Làng nghề thổ cẩm Châu Phong
 
An Giang là tỉnh có số người Chăm đông thứ tư cả nước và đông nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Người Chăm di cư đến An Giang từ giữa thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19. Nằm đối diện với thành phố Châu Đốc bên kia sông Hậu, xã Châu Phong của thị xã Tân Châu là một trong những địa phương có đông đảo người Chăm sinh sống và nổi tiếng với làng nghề dệt thổ cẩm.
 
Người Chăm ở An Giang theo đạo Hồi, trong truyền thống có tập tục Ga-sâm (cấm cung) dành cho nữ giới. Thiếu nữ Chăm từ lúc bước vào tuổi dậy thì đến khi lấy chồng sẽ phải ở suốt trong nhà, không được tiếp xúc với người ngoài nên họ dành thời gian đó để dệt vải. Hiện nay tục cấm cung không còn duy trì song dệt thổ cẩm vẫn là công việc mà bất cứ phụ nữ Chăm nào cũng phải biết.
 
Sản phẩm dệt chủ yếu là áo, xà rông, khăn choàng, túi xách… Các sản phẩm đẹp mắt không chỉ bởi được dệt từ bàn tay tài hoa của những thiếu nữ duyên dáng, mà còn vì chúng được tạo nên sau khi trải qua một quy trình tỉ mỉ theo truyền thống của người Chăm. Sau khi hoàn thành, màu sắc của sản phẩm sắc nét và lâu phai, đồng thời các hoa văn trên sản phẩm cũng mang đậm nét đặc trưng của người Chăm Nam Bộ.
 
Mặc dù kỹ thuật dệt ngày càng đổi mới nhưng thổ cẩm Chăm Châu Phong vẫn giữ nguyên kỹ thuật và phong cách. Sản phẩm từ làng nghề dệt thổ cẩm Châu Phong không chỉ phục vụ nhu cầu của các gia đình người Chăm ở địa phương, mà còn là món quà độc đáo, thu hút nhiều du khách.
 
Các sản phẩm thổ cẩm Chăm ở Tân Châu.
Các sản phẩm thổ cẩm Chăm ở Tân Châu.
Làng nghề dệt lụa Tân Châu
 
Dệt lụa Tân Châu là làng nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời và là niềm tự hào của tỉnh An Giang - dân gian có câu: “lụa Tân Châu, trâu Nhà Bàng”. Khi chiếm Nam Kỳ, người Pháp chú ý khai thác ngành dâu tằm. Với việc thành lập Viện Tằm tơ vào năm 1908, Tân Châu là nơi đầu tiên được lựa chọn để phát triển nghề dệt và dần trở thành một trung tâm sản xuất và buôn bán tơ tằm lớn. Khoảng năm 1945, Tân Châu đã có một số “nhà tằm” tư nhân, đến thập niên 1960 có hàng trăm nhà dệt.
 
Lụa Tân Châu cũng được làm từ tơ tằm như lụa các nơi khác, tuy nhiên điểm đặc biệt là phẩm nhuộm lấy từ nhựa của trái mặc nưa - loại cây có nhiều ở địa phương. Nhuộm màu là công đoạn khó khăn nhất, tốn nhiều thời gian. Trái mặc nưa được giã nát rồi hòa vào nước, lụa được nhúng vào dung dịch này nhiều lần để từng sợi tơ thấm đều màu, sau mỗi lần nhúng phải dùng tay vắt kỹ rồi phơi khô. Với tính chất mềm mại và bền dai, sản phẩm lụa Tân Châu không chỉ được ưa chuộng ở khắp miền Nam mà còn cả các nước Đông Nam Á.
 
Sản phẩm lụa Tân Châu nổi tiếng bậc nhất Nam Kỳ xưa là lãnh Mỹ A. Lãnh bóng loáng, không co giãn, không hút ẩm và không phai theo thời gian. Có người cho rằng bề mặt lãnh Mỹ A trơn bóng và mát nên được gọi là “lãnh” chứ không gọi là “lụa” như các loại khác. Thời Pháp thuộc, chỉ có những người phụ nữ giàu có mới có thể mặc đồ may từ lãnh Mỹ A. Ngày nay, lãnh Mỹ A càng được tôn vinh hơn khi nhiều năm được đưa lên sàn diễn thời trang quốc tế và tạo được tiếng vang lớn.
 
Làng nghề dệt chiếu uzu
 
Chiếu uzu là loại chiếu được dệt từ cây uzu - loài cây có nguồn gốc từ khu vực Hồ Tonlé Sap của Campuchia. Chiếu uzu có đặc tính là bền chắc và có độ bóng. Trước đây, nghề dệt chiếu uzu ở Tân Châu chỉ được các hộ gia đình làm thủ công. Trong những năm 1990 - 2000, nghề này dần được phát triển và ứng dụng máy móc vào sản xuất.
 
Trong xưởng dệt chiếu, mỗi nhân công sẽ phụ trách từng công đoạn khác nhau, lương được chủ xưởng trả theo số lượng sản phẩm. Ngoài sản xuất chiếu, nguyên liệu uzu còn được bà con sáng tạo dùng để sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác như túi xách, giày dép, dây nịt, tranh… trở thành những món quà lưu niệm độc đáo phục vụ khách du lịch.
 
Tuy nhiên, khó khăn của làng nghề này là nguồn nguyên liệu vẫn còn phụ thuộc vào nước bạn. Vì thế, ngoài dệt chiếu uzu, các xưởng dệt cũng nhận dệt chiếu bằng nguyên liệu lát truyền thống của Việt Nam, nguồn lát chủ yếu được cung cấp từ các tỉnh như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An… Do giá thành cây uzu cao hơn lát Việt Nam, nên chiếu uzu thành phẩm cũng có giá thành cao hơn chiếu lát truyền thống.
 
Mộc Viên
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.