Multimedia Đọc Báo in

Phát huy lợi thế du lịch, thúc đẩy kinh tế địa phương

07:47, 27/08/2020
Triển khai Chương trình số 15-Ctr/TU, ngày 13-7-2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua huyện Buôn Đôn đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy tối đa thế mạnh về du lịch, tạo "đòn bẩy" thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
 

Buôn Đôn là huyện có nhiều tiềm năng về du lịch nhờ cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ và sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa của các dân tộc. Địa danh gắn liền với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng, cùng những điểm du lịch hấp dẫn, quyến rũ, tuyệt đẹp như: thác Bảy Nhánh, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Khu du lịch quần thể cầu treo, Khu du lịch sinh thái Bản Đôn - Ánh Dương, Điểm du lịch sinh thái Troh Bư… luôn là điểm đến, ưu tiên lựa chọn của du khách khắp mọi miền đất nước khi đặt chân đến Đắk Lắk.

Theo thống kê, hằng năm các khu, điểm du lịch ở Buôn Đôn thu hút từ 250 - 300 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Doanh thu từ hoạt động du lịch của địa phương tăng dần, lên 31,5 tỷ đồng vào năm 2019. Đây là nguồn thu quan trọng, đóng góp lớn vào ngân sách, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Du khách tham quan khu nhà sàn của đồng bào Êđê tại Điểm du lịch  sinh thái  Troh Bư.  Ảnh: Đ.Triều
Du khách tham quan khu nhà sàn của đồng bào Êđê tại Điểm du lịch sinh thái Troh Bư. 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr, để có được kết quả trên, huyện đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn cụ thể và tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện. Cụ thể, ngay sau khi có Chương trình số 15 của Tỉnh ủy, huyện nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch, xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch giai đoạn 2017 - 2020. Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Đắk Lắk kết nối, giới thiệu các tour du lịch trong và ngoài nước đến với Buôn Đôn.

Bên cạnh việc chú trọng tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ những người làm du lịch, huyện có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích, tạo cơ chế thông thoáng mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Mừng, Giám đốc Điểm du lịch sinh thái Troh Bư (xã Ea Nuôl) cho biết: “Khi chúng tôi đầu tư xây dựng điểm du lịch này, chính quyền địa phương rất nhiệt tình, tạo điều kiện giúp đỡ, hướng dẫn giải quyết nhanh, gọn hồ sơ, các thủ tục pháp lý để điểm du lịch sớm đi vào hoạt động, thu hút du khách đến tham quan”.

 
Xác định giao thông là một trong những yếu tố quyết định, "cú hích" để phát triển du lịch, huyện Buôn Đôn tập trung, huy động mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng đường giao thông vào các khu, điểm du lịch, tạo thuận lợi cho du khách đi lại. Bên cạnh đó, 16 cơ sở lưu trú của các điểm du lịch, với tổng số 150 phòng cơ bản đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị cùng các dịch vụ thiết yếu… có thể đón, phục vụ 350 du khách trong cùng một thời điểm.
 
Trong bối cảnh thị trường du lịch cạnh tranh quyết liệt, du khách có nhiều sự lựa chọn, để thu hút, "níu chân" du khách, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện Buôn Đôn tập trung nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo điểm mới, mang bản sắc, đặc trưng, thương hiệu riêng của địa phương. Hiện các sản phẩm du lịch tại Buôn Đôn rất phong phú, đa dạng, như: Lễ hội đua voi, tham quan cầu treo, nhà sàn cổ 150 tuổi, khu văn hóa nhà mồ, trải nghiệm chèo thuyền độc mộc, thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương, giao lưu văn hóa cồng chiêng, nghe thuyết trình về tập quán săn bắt voi rừng, du lịch tham quan vành đai biên giới, đón Tết Bunpimay cùng người Việt gốc Lào và các tour trekking xuyên rừng…
 
Thời gian gần đây, Buôn Đôn còn phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nông trại, với 9 hợp tác xã nông nghiệp và nhiều xã viên tham gia. Chị Lê Thị Ánh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch nông trại Hoa Lúa, TP. Hồ Chí Minh khi đến tham quan các khu, điểm du kịch, tìm kiếm cơ hội hợp tác đã vô cùng ấn tượng với những sản phẩm du lịch của Buôn Đôn hiện có. “Tôi thật sự bất ngờ với cảnh sắc, vẻ đẹp của các khu, điểm du lịch cũng như những sản phẩm du lịch hấp dẫn của địa phương. Chắc chắn tôi sẽ nối kết với những điểm này để giới thiệu, tổ chức các tour, đưa du khách từ TP. Hồ Chí Minh đến trải nghiệm, tham quan danh lam thắng cảnh, tìm hiểu văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Buôn Đôn”, chị Lê Thị Ánh Nguyệt chia sẻ.
"Theo kế hoạch, giai đoạn 2020 - 2025, huyện Buôn Đôn đề ra chỉ tiêu doanh thu từ du lịch đạt 100 - 125 tỷ đồng. Mục tiêu này hoàn toàn khả thi, bởi khi đã xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực thúc đẩy địa phương phát triển, huyện sẽ tăng cường công tác quảng bá, tập trung nguồn lực, quy hoạch đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư và chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm" - Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr.

 

ĐăngTriều
 
 

Ý kiến bạn đọc