Multimedia Đọc Báo in

Bông Lau một thời oanh liệt

11:32, 25/10/2020

Khuổi Slao - Bông Lau là đoạn đèo nằm trên Quốc lộ 4A thuộc xã Chí Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đây đã từng diễn ra trận đánh giòn giã và có ý nghĩa lớn lao trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong một chuyến đi thăm các tỉnh miền núi phía Bắc, tôi may mắn được đến thăm điểm di tích chiến thắng Khuổi Slao - Bông Lau. Đây là một trong bảy di tích lịch sử chiến thắng trên Đường số 4, ghi dấu ấn những trận đánh của quân và dân các dân tộc huyện Tràng Định trong Chiến dịch biên giới từ năm 1947 đến năm 1950. Năm 1946, sau khi mọi giải pháp chính trị giữa ta và Pháp thất bại, quân Pháp thực hiện dã tâm dùng vũ lực tái chiếm và bình định Đông Dương. Để chuẩn bị kháng chiến lâu dài, từ tháng 11-1946 toàn bộ các cơ quan đầu não của Việt Minh cùng nhân dân miền xuôi đã lần lượt chuyển lên Việt Bắc. Sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát ra như pháo lệnh vào tối 19-12-1946, quân đội ta và thực dân Pháp chính thức bước vào cuộc đối đầu sinh tử suốt chín năm.

Du khách chụp hình lưu niệm tại Di tích chiến thắng Khuổi Slao - Bông Lau  (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn).
Du khách chụp hình lưu niệm tại Di tích chiến thắng Khuổi Slao - Bông Lau (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn).

Thực hiện âm mưu tái chiếm, quân Pháp mở chiến dịch "đánh nhanh thắng nhanh" Thu Đông 1947, càn quét vùng căn cứ địa Việt Bắc của ta với ý đồ: vây bắt cơ quan đầu não của Việt Minh, tiêu diệt quân chủ lực kháng chiến, phá các kho tàng và công binh xưởng Việt Minh, khóa chặt biên giới Việt - Trung để ngăn chặn Việt Minh nhận viện trợ của nước ngoài... Mở đầu chiến dịch ngày 7-10-1947, 800 lính Pháp đã nhảy dù xuống Bắc Kạn. Sau nhiều trận đánh dữ dội, chỉ trong hai tháng, quân Pháp đã chịu tổn thất nặng nề và thất bại thảm hại. Ngày 19-12-1947, toàn bộ quân Pháp phải tháo chạy khỏi Việt Bắc. Một trong những trận đánh điển hình đã đi vào lịch sử quân sự Việt Nam đó là trận đèo Bông Lau ngày 30-10-1947.

Đèo Bông Lau dài 6 km tính từ vực Lũng Phầy, chạy ngoằn ngoèo giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu bạt ngàn lau lách, địa hình hiểm trở. Ngày 29-10-1947, Tiểu đoàn chủ lực 374 thuộc Trung đoàn bộ binh 11 Lạng Sơn cùng các đơn vị dân quân du kích địa phương được pháo binh chi viện đã phục kích ở đoạn Bản Sao – Đèo Bông Lau dài 2 km, đón đánh đoàn quân của Pháp gồm 33 chiếc xe vận tải quân sự có xe thiết giáp dẫn đầu di chuyển từ Cao Bằng về Lạng Sơn. 17 giờ ngày 30-10-1947, đoàn xe của địch đã lọt vào trận địa phục kích, chỉ huy Tiểu đoàn 374 phát lệnh tấn công, một quả bom 25 kg đã khai hỏa làm nổ tung chiếc xe thứ hai, chiếc đi đầu chạy thoát. Tiếp đó là mìn, bộc phá giật liên hồi phá tan đội hình đoàn xe đang tán loạn, chiếc đâm vào vách núi, chiếc lao xuống vực, quân lính Pháp nhảy xuống xe tháo chạy. Pháo cối, đại liên, trung liên... của ta mai phục hai bên đèo đồng loạt và liên tục nhả đạn bắn chéo vào đội hình địch, hai đại đội bộ binh chủ lực của ta truy kích tiêu diệt và bắt sống được nhiều quân địch. Cả đoàn xe địch tan tác, quân ta giành chiến thắng hoàn toàn. Sau khi thu hết chiến lợi phẩm gồm nhiều loại súng đạn, quân trang quân dụng... toàn bộ số xe còn lại của địch đã bị đốt cháy ngút trời khói lửa. Trong trận phục kích chớp nhoáng chưa đầy 30 phút, ta đã diệt 104 tên, bắt sống 101 lính Pháp, phá hủy 27 xe, đường Cao Bằng – Lạng Sơn bị cắt đứt 10 ngày gây khốn đốn cho việc di chuyển và tiếp tế của quân Pháp.

Chiến thắng giòn giã tại đèo Bông Lau là thắng lợi lớn đầu tiên của quân ta trên mặt trận Đường 4, có sức cổ vũ lớn lao với nhân dân Tràng Định và nhân dân cả nước. Với quân đội ta, chiến thắng Bông Lau đã mở đầu cho một thời kỳ mới, thời kỳ các lực lượng vũ trang của ta đánh tập kích và tiêu diệt gọn quân địch.

Dấu tích của trận đánh Bông Lau hiện nay không còn, nhưng tại chân đèo Bông Lau có một nghĩa trang liệt sĩ, là nơi yên nghỉ của các chiến sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Đường số 4. Đây là nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1999, UBND tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng một đài chiến thắng tại điểm di tích Đèo Bông Lau để kỷ niệm và tôn vinh những chiến sĩ đã làm nên chiến công to lớn, góp phần giải phóng quê hương đất nước. Ngày nay, đèo Bông Lau vẫn là con đường giao thông quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.