Mai này ai kể sử thi? (Kỳ 1)
Nghệ nhân nắm giữ và hát kể sử thi lần lượt mất đi, trong khi đó lớp trẻ không còn tha thiết với vốn văn hóa này đang là thực trạng đáng buồn trong các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk cũng như khu vực Tây Nguyên hiện nay. Sự "đứt gãy" đó khiến sinh hoạt diễn xướng sử thi ở đây trở thành khoảng trống trong các buôn làng.
Kỳ 1: Nỗi niềm sử thi!
Anh Y Thim BuônYă - “Ông bầu” nhóm nhạc cụ dân tộc và văn nghệ dân gian (buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng sử thi Tây Nguyên vốn hiện diện sinh động trong đời sống sinh hoạt của của bà con, nay trở nên thưa vắng, thậm chí có nhiều nơi không còn. Nói sử thi đã “chết” thì hơi quá, nhưng buồn thì có thật, bởi rất ít người còn nhớ loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc này.
Ngay trong nhóm của Y Thim, quy tụ không ít nghệ nhân nắm giữ vốn văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Êđê, chuyên trình diễn phục vụ du khách gần xa, hoặc tham gia nhiều cuộc liên hoan văn hóa - văn nghệ các dân tộc thiểu số trong tỉnh và cả khu vực Tây Nguyên, nhưng tuyệt nhiên không có ai hát kể sử thi thông thạo, dù là những bộ sử thi phổ biến nhất như: Dăm Săn, Sing Ngiă, Dăm The Mlan, Khing Jú, M’hiêng, Mdrông Dam. Nghệ nhân Y Thim cho hay, hiện nay tại 33 buôn người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, chỉ còn mỗi cụ Y Duê Niê (buôn Kô Siêr, phường Tân Lập) là còn biết hát kể những bộ sử thi trên, ngoài ra không còn ai biết, hoặc có biết thì cũng chỉ thuộc dăm bảy đoạn - không đầu, không cuối nói về luật tục, tình yêu, hôn nhân hay ý chí và sức mạnh của nhân vật nào đó trong sử thi mà họ yêu thích.
Nhiều bộ sử thi Tây Nguyên có trong Thư viện tỉnh, nhưng rất ít bạn đọc quan tâm. Ảnh: Đ.Đối |
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Y Kô Niê - Phó Đoàn Ca nhạc dân tộc Đắk Lắk lo ngại: Mai này không biết còn ai hát kể sử thi nữa hay không, loại hình diễn xướng dân gian này đang thật sự đứt gãy trong dòng chảy văn hóa của các tộc người thiểu số ở đây. Sự đứt gãy ấy ngày càng lộ ra sâu và rộng hơn trên bình diện thực hành lẫn nhận thức kế thừa. Thử quan sát trên thực tiễn sẽ thấy rõ điều đó - sinh hoạt hát kể sử thi trong cộng đồng thưa vắng dần, thậm chí biến mất do điều kiện lịch sử, xã hội đã thay đổi, phong tục, tập quán và tín ngưỡng đã khác xưa. Theo đó, chủ thể của vốn di sản kia không còn mặn mà như trước nữa, vì sử thi đã mất chức năng là “một trường học lớn”, có ý nghĩa giáo dục đối với mọi thành viên trong cộng đồng tìm đến học hỏi, nâng cao hiểu biết về cuộc sống cũng như thế giới xung quanh mình.
Theo anh Y Kô Niê, ngày xưa sử thi sống được trong sinh hoạt cộng đồng là nhờ vậy, người ta gắn bó với sử thi như một nhu cầu. Mỗi đối tượng, thành phần, lứa tuổi đều tìm thấy trong đó những giá trị khác nhau - ít nhiều có liên quan đến tâm tư, suy nghĩ cũng như cách hành xử của bản thân, gia đình trong đời sống thường nhật. Vì thế, ai cũng muốn nghe hát kể sử thi và cố gắng thuộc lòng càng nhiều càng tốt để bảo ban, răn dạy và khuyến khích con cháu. Trong đời sống hiện đại ngày nay, nhu cầu đó không còn nữa, truyền thông và nhiều phương tiện khác đã thay thế vai trò, chức năng của sử thi nên vốn di sản này mất dần chỗ đứng là điều tất yếu trong sinh hoạt của mỗi cộng đồng, dân tộc.
Nghệ nhân ở các buôn làng là những "báu vật sống" trao truyền vốn văn hóa truyền thống cho lớp trẻ. Ảnh: Hữu Hùng |
Trong một chuyên khảo “Sử thi Êđê hiện nay - Nghệ nhân và việc trao truyền nghệ thuật diễn xướng” do nhà nghiên cứu văn hóa Kiều Trung Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam) làm chủ biên và xuất bản vào cuối năm 2018, nhận định: Cấp độ đứt gãy sinh hoạt diễn xướng sử thi trong các cộng đồng, dân tộc này ngày càng lan rộng và rõ ràng hơn do ba yếu tố sau đây tác động, chi phối: số nghệ nhân hát kể được sử thi hiện còn quá ít, hầu hết họ đã lớn tuổi, hoàn cảnh và điều kiện sinh sống cũng như sức khỏe không bảo đảm; niềm đam mê của các thành viên trong cộng đồng, nhất là người trẻ giảm sút đáng kể và môi trường diễn xướng bị biến đổi, thu hẹp nhanh chóng.
Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam
|
Đây là những nguyên nhân bao trùm, khiến không những nghệ thuật diễn xướng sử thi Tây Nguyên mai một, mà nhiều loại hình văn hóa - văn nghệ dân gian khác của cộng đồng các dân tộc ở đây cũng lâm vào tình trạng tương tự. Tuy nhiên, đối với các giá trị văn hóa truyền thống như cồng chiêng, dân ca, dân vũ hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, người ta có thể chấn hưng lại được bằng nhiều phương tiện, hình thức như kết hợp với lễ hội, nghi thức thực hành văn hóa, biểu diễn trên sân khấu, tụ điểm sinh hoạt văn hóa - du lịch… nhờ biểu hiện trực tiếp của cảm xúc, thẩm mỹ hàm chứa trong đó. Riêng hát kể sử thi thì không như vậy, nó vốn là “trường học lớn”, đại diện cho một vùng, hay một “phổ văn hóa” sâu dày và thống nhất của mỗi cộng đồng dân tộc, trong đó bao hàm nhiều giá trị tiêu biểu như âm nhạc, vũ điệu, kiến trúc, mỹ thuật, kiến trúc cũng như tri thức, luật tục, phong tục, tập quán và tín ngưỡng dân gian... Vì vậy, việc bảo tồn và làm sống lại nghệ thuật diễn xướng sử thi trong các buôn làng Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk càng trở nên nan giải.
(Còn nữa)
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc