Mai này ai kể sử thi? (Kỳ 2)
Tiếp sức cho sử thi
Một trong những chính sách có tác động lớn để tiếp sức cho sử thi hiện diện trở lại trong các buôn làng Tây Nguyên là việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” vào năm 2001. Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam) được giao nhiệm vụ triển khai, thực hiện dự án này trong gần 7 năm - và đến nay đã có 75 sử thi của các dân tộc Êđê, J'rai, Sê đăng, Bana và M’nông đã được xuất bản bằng cả tiếng Việt và bản ngữ.
Số sử thi trên đã được đưa về hệ thống thư viện các cấp trên địa bàn Tây Nguyên trong hơn 10 năm qua. Theo bà Phạm Thị Kim, nguyên Giám đốc Thư viện Đắk Lắk, 10 sử thi của người Êđê và 26 sử thi của người M’nông với hàng chục nghìn bản in hiện đang có trong thư mục của hệ thống thư viện tỉnh - từ điểm văn hóa xã, vùng đến huyện, thị xã, thành phố cũng như trong nhiều trường học các cấp. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là số người đến mượn đọc sử thi còn quá ít. Nhiều nơi có đông người dân tộc Êđê, M’nông sinh sống cũng vậy, rất ít người quan tâm đến những bộ sử thi đồ sộ của dân tộc mình.
Nghệ nhân Y Thim cùng đội diễn tấu nhạc cụ dân tộc buôn Ea Bông (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) trình diễn nghệ thuật hát múa phụ họa trong buổi hát kể sử thi. Ảnh: Hữu Hùng |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông (Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Tây Nguyên) cho rằng, bà con người dân tộc thiểu số ở đây, nhất là lớp trẻ chưa mặn mà tiếp nhận nguồn sử thi tại các thư viện là vì họ chỉ thích nghe hát kể sử thi từ những nghệ nhân đã thành danh hơn là đọc qua văn bản. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi sử thi vốn là tổng thể nguyên hợp các giá trị văn hóa hàm chứa trong đó - và hát kể (được xem như hoạt động nghệ thuật âm nhạc, vũ điệu) được nghệ nhân thể hiện bằng tài năng bẩm sinh, nên hấp dẫn và có sức thu hút đối với người nghe. Còn đọc sử thi qua sách vở và không thể hiện được những yếu tố nghệ thuật diễn xướng trên thì đương nhiên sức sống của nó sẽ hạn chế rất nhiều.
Nghệ nhân Y Thim Buôn Yă (buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Suy cho cùng, vai trò nghệ nhân vẫn là số một, vì chỉ thông qua họ sử thi mới thật sự “sống” trong đời sống cộng đồng. Hát kể được sử thi phải có năng khiếu, trong một vùng chỉ có vài người đủ khả năng và được “chân truyền” từ những nghệ nhân đi trước. Bí quyết “chân truyền” ấy cứ thế nối dài và tiếp tục từ đời này sang đời khác, chứ không ai trở thành nghệ nhân hát kể sử thi qua sách vở cả.
Khuyến khích lớp trẻ tìm đọc sử thi tại hệ thống thư viện Đắk Lắk là vấn đề cần quan tâm. Ảnh: Đ.Đối |
Tiến sĩ Kiều Trung Sơn, Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam.
|
Nhiều người nhìn nhận việc học thuộc sử thi qua những tác phẩm được biên soạn, xuất bản sẽ khắc phục được vấn đề thời gian, sự đi lại và quan hệ thường xuyên với người hát kể (có khi kéo dài cả tháng trời để hát kể/lắng nghe một sử thi) trong bối cảnh hoạt động sản xuất, điều kiện sinh hoạt, lối sống trong cộng đồng đã có quá nhiều thay đổi như hiện nay. Có điều, nói như bà Tuyết Nhung - nhất thiết phải có thiết chế văn hóa phù hợp cho các cộng đồng, dân tộc thụ hưởng Đề án trên của Thủ tướng Chính phủ. Tức là khi sử thi được đưa về hệ thống thư viện các cấp, gần nhất là buôn làng thì chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng phải tìm cách biến nó trở thành nếp thực hành văn hóa thường xuyên và có lộ trình rõ ràng để khuyến khích, thúc đẩy chủ thể vốn văn hóa ấy nỗ lực tiếp nhận, bảo tồn và phát huy trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng - từ trong nhà đến hoạt động sản xuất trên nương rẫy, những dịp hội hè… nên chú trọng tạo không gian cho nghệ thuật diễn xướng sử thi có mặt và lan tỏa hơn, thật sự trở thành “món ăn” không thể thiếu trong mỗi hoạt động, thực hành văn hóa tại các buôn làng.
Có thể nói, đó cũng là những đề xuất, góp ý mà ngành văn hóa ở đây cần quan tâm, nghiên cứu, bàn thảo để tiếp sức cho sử thi Tây Nguyên tiếp tục bén rễ và có đời sống xanh tươi như đã từng có trước đây trên mảnh đất giàu bản sắc này.
Đình đối
Ý kiến bạn đọc