Multimedia Đọc Báo in

Cảm nghe bài hát "Cô hàng cà phê"

12:11, 23/12/2020

“Cô hàng cà phê” là ca khúc được nhạc sĩ Canh Thân sáng tác gần 60 năm trước, được giới yêu âm nhạc và yêu cà phê nhiều thế hệ “say như điếu đổ”.

Nhạc sĩ Canh Thân sinh năm 1920 (Canh Thân), gốc quê Hải Phòng. Đầu những năm 50 thế kỷ trước, ông tản cư lên chiến khu III (vùng đồng bằng sông Hồng), sáng sáng tìm đến quán cà phê “ruột” dành cho giới văn nghệ sĩ ở vùng chợ Đại – Cống Thần, tỉnh Hà Đông, nay là quận Hà Đông trực thuộc thành phố Hà Nội. Chợ trời này trải dài từ làng Đại cho tới làng Thần, nơi đây có một cái cống lớn để dẫn nước sông vào ruộng nên được gọi là Cống Thần. Nơi này có quán Thăng Long nổi tiếng, bán phở, có cà phê ngon, chủ quán là ông bà Phạm Đình Phụng, từ phố Bạch Mai (Hà Nội) tản cư lên. Giúp việc ông bà có ba người con. Người con gái lớn là Phạm Thị Thái, trạc 20 tuổi, biết hát và biết chơi cả đàn Hạ Uy cầm. “Nàng có một vẻ đẹp rất buồn, lại là người ít nói, lúc nào cũng như đang mơ màng nghĩ tới một chuyện gì xa xưa. Văn nghệ sĩ nào khi tới gần nàng thì cũng đều bị ngay “một cú sét đánh” – nhạc sĩ Phạm Duy hồi tưởng.

Bìa bài hát  Cô hàng  cà phê  trong phần  giới thiệu của NXB  Tinh Hoa,  Sài Gòn,  ngày  16-1-1956.
Bìa bài hát Cô hàng cà phê trong phần giới thiệu của NXB Tinh Hoa, Sài Gòn, ngày 16-1-1956.

Nhạc sĩ Canh Thân là một trong những văn nghệ sĩ đã “đóng đô” ở chợ Đại từ lâu, trước cả Phạm Duy. Không gian đầm ấm, đầy tính nghệ sĩ của quán Thăng Long là cái nền cảm xúc để ông viết nên ca khúc “Cô hàng cà phê” bất hủ. Nói là hàng cà phê, nhưng bài hát tịnh không thấy bóng dáng thứ nước uống khét tiếng trời Tây này (chỉ độc một câu tả về đồ uống thì lại là ly trà ướp sen ngạt ngào) mà chủ yếu tả về cô hàng với bàn tay ngà.

Để thai nghén và cho ra đời “Cô hàng cà phê”, tác giả – nói như ngôn ngữ ngày nay – đã “ngồi đồng” ngày này qua ngày khác ở quán Thăng Long, đắm nhìn cô hàng cà phê bằng cái nhìn đắm đuối để rồi thư thả kể lại bằng âm nhạc câu chuyện lòng của nhiều anh chàng, trong đó có chính tác giả.

Bước vào những nhịp đầu tiên của bài hát, có cảm giác như bước vào không gian duy nhất nơi diễn ra câu chuyện và gặp ngay nhân vật trung tâm của câu chuyện: Ở chợ Dầu có hàng cà phê. Có một cô nàng be bé xinh xinh. Cô hay cười hồn xuân phơi phới. Cứ xem dáng người mới chừng đôi mươi… Một chàng trai không rõ từ đâu đến đã xô bạt các chàng trai khác ra khỏi cô bằng một tình yêu vô bến vô bờ. Chàng ước được nên duyên cùng người đẹp mà nàng thì vẫn cứ hững hờ một thái độ cố hữu. Câu chuyện được đẩy tới đỉnh điểm của sắc thái liêu trai khi chàng vì yêu quá mà hóa như điên rồ, bơ phờ, ủ dột, thất thần như muốn chờ một kiếp ma.

Cuối cùng, trái tim người đẹp cũng biết rung lên nhịp thương cảm. Tình yêu hóa như điên rồ của lữ khách ngày đêm dành cho nàng đã khiến nàng động lòng trắc ẩn. Giữa lúc chàng sắp đến thiên đàng thì nàng mang thuốc đến, cái động thái tình cảm chân thành ấy đã làm cho chàng trai dọc ngang trên đường đời thấy cay cay trong mắt. Cảm nhận tình yêu từ nàng, chàng mỉm cười thanh thản ra đi...

Ra đời năm 1954, “Cô hàng cà phê” được cho là một trong những bài truyện ca hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Câu chuyện kết thúc có hậu. Tác giả Nguyễn Trương Quý trong bài viết “Dư vị của phiêu lãng” đăng trên Tạp chí Thế giới cà phê số tháng 1-2012, đã nhận xét về bài hát: “Và dường như nó cũng là đại diện hiếm hoi của dòng nhạc tiền chiến có nhắc đến cà phê. Một sự hiện diện độc nhất nhưng khiến người ta nhớ mãi, như dư vị cà phê ngon trên lưỡi khách khi đã lên đường tiếp tục tha phương, và lữ khách ngẩn ngơ nghĩ đã thực có mùi vị đó sao?”.

Canh Thân mất tại Sài Gòn vào đầu thập niên 1970, hẳn trong hành trang ông mang về thế giới bên kia thấp thoáng có bóng dáng “Cô hàng cà phê” mà ông một thời mơ và nhớ.

Văn Thành Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.