Để có thêm "trái ngọt" cho văn học nghệ thuật Đắk Lắk
Nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) là giai đoạn văn học nghệ thuật (VHNT) Đắk Lắk có sự phát triển vượt bậc cả về chất và lượng; nhiều tác giả, tác phẩm đã ghi dấu ấn sâu đậm trong đời sống. Niềm đam mê sáng tạo thôi thúc nhiều văn nghệ sĩ trăn trở với hành trình để VHNT Đắk Lắk tiếp tục nở hoa, thu hái thêm nhiều "trái ngọt"...
Bà Linh Nga Niê Kđăm, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc
Quan tâm công tác phát triển các tác giả người dân tộc thiểu số
Giai đoạn 2015 - 2020, Chi hội Âm nhạc đã đạt nhiều thành tích đáng kể; bất cứ một hoạt động nào liên quan đến văn hóa nghệ thuật của địa phương đều có sự đóng góp của các nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn như: dàn dựng, sáng tác, làm giám khảo, giảng dạy... Nhìn chung, hội viên Chi hội Âm nhạc hoạt động rất tích cực, dù đó là hoạt động chung, hoạt động cộng đồng, hay hoạt động cá nhân, sáng tác thì đều đạt kết quả rất tốt. Đối với Hội VHNT Đắk Lắk, không thể phủ nhận đã có những hoạt động rất hiệu quả như mở trại sáng tác, đợt thực tế, hỗ trợ sáng tạo, những hoạt động triển lãm… triển khai hiệu quả, sôi động. Tuy nhiên, có một điều tôi khá băn khoăn đó là lực lượng hội viên người dân tộc thiểu số hoạt động có phần chững lại. Có thể do hoàn cảnh cuộc sống mà một số hội viên không sáng tạo được nữa, tuy nhiên sự hỗ trợ của Hội với lực lượng này không có bao nhiêu. Những trại sáng tác thanh thiếu nhi “Hương rừng” mở ra nhưng sau đó lại chưa có sự chăm bẵm, nâng niu, dẫn đến một số “hạt giống” bị thui chột. Do vậy, trong nhiệm kỳ tới, tôi mong muốn Ban Chấp hành Hội tiếp tục duy trì, phát huy những hoạt động sáng tạo vốn có của nhiệm kỳ qua, đồng thời quan tâm đến việc phát triển tác giả và hội viên là người dân tộc thiểu số, bởi có lẽ sẽ không ai có thể hiểu rõ, viết đúng hơn họ về nền văn hóa bản địa của Đắk Lắk…
Ông Nguyễn Hồng Chiến, Phó Chủ tịch Hội VHNT, Chi hội trưởng Chi hội Văn học
Làm tốt công tác xã hội hóa các hoạt động VHNT
Nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự năng động, sáng tạo và tâm huyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các ban chuyên môn, tập thể cán bộ, nhân viên cơ quan Hội và đa số hội viên đã cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao. Đã có hàng trăm tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật xuất sắc ra đời, đoạt giải khu vực, quốc gia và quốc tế; nhiều hội viên được kết nạp vào hội chuyên ngành Trung ương. Đối với chuyên ngành Văn học, hằng năm có trên 100 tác phẩm được đăng tải trên các báo, tạp chí, xuất bản gần chục đầu sách, đạt được nhiều giải thưởng của địa phương, Trung ương.
Để đạt được kết quả trên, theo tôi ngoài việc Hội làm tốt công tác xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật, tổ chức được nhiều trại sáng tác, chuyến đi thực tế thì thông qua các buổi tọa đàm, tập huấn, hội thảo chuyên sâu… đã góp phần giúp hội viên nâng cao nhận thức cả về chính trị và chuyên môn, có thêm nguồn cảm hứng sáng tạo để sáng tác.
Đại hội Hội Văn học nghệ thuật lần thứ VII tôi mong muốn sẽ chọn ra tập thể lãnh đạo mới, có tâm, đủ tầm để tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đoàn kết, hăng say sáng tạo văn học nghệ thuật, có nhiều tác phẩm xuất sắc.
Ông Trần Thanh Long, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật
Trẻ hóa đội ngũ văn nghệ sĩ
Những năm gần đây, “không khí mỹ thuật” của tỉnh khá sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú. Hội viên Chi hội Mỹ thuật tham gia khá tích cực trong các triển lãm, workshop, trại sáng tác do địa phương, khu vực và Trung ương tổ chức. Hội VHNT tỉnh cũng rất quan tâm, tạo điều kiện cho hội viên hoạt động; hằng năm đều dành nguồn kinh phí để hỗ trợ sáng tác. Trong nhiệm kỳ qua có 3 hội viên đoạt Giải thưởng Chư Yang Sin lần thứ 2, 15 hội viên đoạt Giải thưởng hằng năm của Hội VHNT tỉnh, 3 giải thưởng trong Triển lãm Mỹ thuật khu vực V và một số giải thưởng trong các cuộc thi khác. Nhìn chung sức sáng tác của hội viên khá đều, một số hội viên trẻ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong sáng tạo. Thời gian tới, tôi mong rằng, Hội VHNT tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động cổ vũ, động viên tinh thần nghệ sĩ say mê sáng tác hơn nữa; đặc biệt là phát triển lực lượng trẻ ngày một đông đảo để trẻ hóa đội ngũ văn nghệ sĩ; trong đó chú trọng bồi dưỡng họa sĩ trẻ người dân tộc thiểu số tham gia vào hoạt động sáng tác mỹ thuật và dần dần đưa họ vào Hội.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bảo Hưng, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh
Tăng cường các chuyến đi thực tế sáng tác
Chi hội Nhiếp ảnh hiện có 29 hội viên. Trong nhiệm kỳ qua, hội viên Chi hội đã tích cực tham gia các cuộc thi, triển lãm ảnh nghệ thuật trong và ngoài nước và đạt thành tích cao. Cụ thể, có gần 200 lượt hội viên tham gia 7 cuộc thi và triển lãm trong tỉnh, 5 cuộc liên hoan và triển lãm khu vực; tổ chức gần 50 chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh; tham gia 7 trại sáng tác, tập huấn… Ngoài những trại sáng tác hoặc những chuyến sáng tác tập trung, từng cá nhân và từng nhóm hội viên Chi hội đã chủ động đi thực tế sáng tác tạo ra nhiều tác phẩm bám sát, phản ánh hiện thực cuộc sống. Chi hội luôn chú trọng nâng đỡ dìu dắt những anh em yêu thích nhiếp ảnh tham gia cùng chi hội trong sinh hoạt nhiếp ảnh và xem đây là nhân tố phát triển hội viên.
Trước thềm Đại hội Hội VHNT lần thứ VII, tôi mong rằng sẽ có một tập thể lãnh đạo trẻ, hội đủ năng lực, trí tuệ và tâm huyết để lãnh đạo điều hành hoạt động, thực sự vì sự phát triển của Hội. Việc khen thưởng, khích lệ tinh thần của hội viên trong mỗi chi hội sẽ được quan tâm hơn nữa, tổ chức nhiều chuyến đi thực tế tăng lên cả về số lần trong năm cũng như thời gian của mỗi chuyến đi để từ đó hội viên có điều kiện được tập huấn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Ông Hoàng Huy Liêm, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu – Điện ảnh
Đổi mới phương thức hoạt động, thu hút hội viên tham gia
Thời gian qua, Hội VHNT tỉnh đã tạo sự đoàn kết, thống nhất; đặc biệt tạo sân chơi thiết thực cho hội viên thông qua trại sáng tác, chuyến đi thực tế trong và ngoài tỉnh, cũng như tổ chức cuộc thi, triển lãm, giải thưởng, hỗ trợ sáng tạo hằng năm… qua đó động viên hội viên có cơ hội sáng tạo được nhiều tác phẩm có giá trị cao. Riêng về Chi hội Sân khấu – Điện ảnh đã đổi mới phương thức hoạt động và sáng tạo, lôi cuốn hội viên tích cực tham gia. Mỗi năm, Chi hội thường tổ chức từ 2 - 4 đợt đi về cơ sở, đồn biên phòng và buôn đồng bào dân tộc thiểu số… để tạo điều kiện cho hội viên giao lưu nghệ thuật với công chúng; đồng thời, phát huy ý tưởng sáng tạo tác phẩm. Qua đó, các tác phẩm đã bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh khá sinh động đời sống thường nhật, mang đến cho công chúng nhiều thông điệp tốt đẹp của cuộc sống.
Nhiệm kỳ tới, chúng tôi mong muốn Ban Chấp hành mới sẽ có nhiều quan tâm, cổ vũ, động viên hơn nữa dành cho văn nghệ sĩ; trong đó có anh chị em nghệ sĩ Chi hội Sân khấu – Điện ảnh. Đồng thời, phát huy tính sáng tạo, dân chủ trong quản lý, điều hành Hội; đẩy mạnh hoạt động thực tế cho từng chi hội để đưa phong trào VHNT trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh hơn.
Lan Anh – Hồng Thúy (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc