Multimedia Đọc Báo in

Người nghệ nhân nặng lòng với văn hóa truyền thống

15:10, 29/12/2020

Say mê, trân quý những giá trị văn hóa truyền thống, giữa nhịp sống hiện đại, nghệ nhân Y Wơn Niê (60 tuổi, buôn Wiâo A, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) vẫn ngày đêm miệt mài truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc…

Đến buôn Wiâo A, không khó để tìm được nhà nghệ nhân Y Wơn Niê, bởi nhà ông là một trong số những ngôi nhà dài ít ỏi còn lại của buôn. Trong căn nhà dài đơn sơ đã được sửa sang lại theo năm tháng treo đầy những tấm bằng khen, giấy khen của ông về lĩnh vực văn hóa được các cấp, ngành khen thưởng.

Ông Y Wơn bày tỏ, xã hội giờ phát triển theo hướng hiện đại hóa, nhiều nét văn hóa của người Êđê vì thế cũng bị mai một theo thời gian, buôn Wiâo A cũng không tránh khỏi điều đó. Tuy vậy, cũng thật mừng vì cộng đồng người Êđê ở buôn Wiâo A vẫn còn lưu giữ được ít nhiều nét văn hóa truyền thống như: duy trì Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe, Lễ trưởng thành… Nhiều người trong buôn còn biết dệt vải và sống với nghề, đội chiêng, đội múa của buôn vẫn được duy trì và sinh hoạt…

Ông Y Wơn Niê (thứ hai từ phải sang) đang thực hiện nghi lễ trong Lễ cúng bến nước  của buôn Wiâo A (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng).
Ông Y Wơn Niê (thứ hai từ phải sang) đang thực hiện nghi lễ trong Lễ cúng bến nước của buôn Wiâo A (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng).

Vừa nói, ông vừa khệ nệ mang những nhạc cụ truyền thống của người Êđê do mình chế tác ra để giới thiệu, nào là đàn brô, goong, tù và, đinh năm, đinh tắk ta…. Ông Y Wơn không nhớ mình đã chế tác được bao nhiêu sản phẩm, bởi từ nhỏ thấy cha ông chế tác và biểu diễn nhạc cụ, ông đã bị những thanh âm trầm bổng ấy cuốn hút, rồi cũng mày mò học và làm theo cho đến tận bây giờ. Ông cho biết, để chế tác nhạc cụ phải có niềm đam mê và hiểu rõ về âm thanh, đặc tính của nhạc cụ đó, đặc biệt khâu chọn nguyên liệu hết sức quan trọng.  Cũng theo ông, mỗi loại nhạc cụ sẽ được dùng vào những hoàn cảnh khác nhau như: đing năm thường được dùng để thổi theo điệu hát Ayray, trong các dịp lễ (Lễ cúng bến nước, Lễ mừng lúa mới, Lễ lên nhà mới, tang lễ…); tù và dùng để đánh thức, tập trung mọi người; goong dùng trong những đêm tâm tình của các đôi trai gái hát đối đáp, giao duyên với nhau…

Đến nay, ông coi việc chế tác nhạc cụ như một cách để lưu giữ nét văn hóa truyền thống, và khi hòa mình vào thanh âm của những loại nhạc cụ ấy cũng giúp ông xua tan mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả trên nương rẫy. Nhiều người gần xa biết đến tài năng của ông đã tìm đến tận nhà để đặt mua nhạc cụ, trong đó có cả khách nước ngoài. Nhờ vậy, ông Y Wơn lại được bận rộn, đắm mình vào thế giới tre nứa, say sưa chế tác. Rảnh rỗi, ông lại đan thêm gùi, rổ… để gia đình sử dụng hay làm quà cho con cháu.

Cùng với niềm đam mê nhạc cụ tre nứa, ông Y Wơn còn say mê và dành tình yêu lớn cho cồng chiêng. Bởi thế, bộ chiêng quý cùng chiếc trống da trâu “ba thế hệ” của gia đình luôn được ông lau chùi, giữ gìn cẩn thận. Hiện ông là Đội trưởng đội chiêng của buôn Wiâo A, ngoài việc đánh chiêng giỏi thì ông cũng thuần thục trong việc chỉnh chiêng. Bên cạnh việc tham gia diễn tấu cồng chiêng vào các nghi lễ trọng đại của buôn làng hay đi thi, biểu diễn ở những dịp quan trọng thì những năm qua, ông vẫn miệt mài truyền dạy chiêng cho lớp trẻ trên địa bàn huyện. Ông mong muốn qua những lớp chiêng đó sẽ truyền dạy không chỉ kỹ thuật mà còn khơi dậy được niềm đam mê cồng chiêng ở lớp trẻ, để bản sắc văn hóa dân tộc không bị mai một theo thời gian.

Điều đặc biệt ở nghệ nhân Y Wơn Niê là ông không những giỏi về nhạc cụ, thuộc nhiều bài dân ca, dân vũ của người Êđê mà còn biết nhiều bài cúng và là người thực hiện nghi lễ cúng trong các sự kiện quan trọng của buôn Wiâo A. Nhờ tài năng và những đóng góp của bản thân, ông đã nhiều lần được nhận giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành về việc góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.