Những mảng màu tươi đẹp về xứ sở bạch dương
Với cảm xúc trong trẻo, trí tưởng tượng phong phú, các em học sinh đã vẽ nên bức tranh đầy sắc màu tươi đẹp về xứ sở bạch dương.
Có thể cảm nhận rõ điều đó từ cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Nước Nga - xứ sở bạch dương trong em” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức dành cho học sinh khối THCS và THPT trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga.
Cuộc thi nhằm nhìn lại chặng đường lịch sử 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao mà hai nước đã đi qua với biết bao gian nan, thử thách nhưng vẫn sáng ngời tình hữu nghị truyền thống và hợp tác bền chặt. Đồng thời, cũng là dịp để học sinh thể hiện sự hiểu biết của mình về nước Nga, về lịch sử, văn hóa, truyền thống, con người và tình hữu nghị giữa hai nước. Thông qua đó, nhằm tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng những em có sở trường, năng khiếu và đam mê về hội họa. Qua 5 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 2.000 tác phẩm. Điều đó cho thấy sức lan tỏa của cuộc thi cũng như tình yêu nước Nga của các em học sinh. Em Bùi Thúy Dung, lớp 10A1, Trường THPT Trần Quang Khải (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) tâm sự: “Dù chưa được đến nước Nga, nhưng thông qua các tác phẩm nghệ thuật từ hát, múa đến văn học, em có ấn tượng đẹp về đất nước này. Chính vì vậy em đã hoàn thiện tác phẩm trong thời gian không lâu”.
Các tác phẩm đoạt giải được trưng bày tại lễ tổng kết. |
Em H’Diễm Niê, lớp 9B, Trường THCS Trần Hưng Đạo (huyện M’Drắk) tác giả đoạt giải nhất khối THCS với tác phẩm “Giao lưu văn hóa” xúc động chia sẻ: “Em thấy những người đã từng học tập, lao động ở nước Nga đều coi nơi đây như quê hương thứ hai với những kỷ niệm đẹp đẽ, đầy khao khát và ước vọng. Lại có những người chưa từng đến nước Nga nhưng cũng có những ảnh hưởng nhất định trong đời sống tinh thần từ các tác phẩm văn học nghệ thuật, các món ăn, vật dụng... của xứ sở này. Đó chính là lý do mà chúng em quan tâm đặc biệt khi tham gia cuộc thi”.
Nhiều học sinh khác cũng cho hay, cuộc thi đã tạo điều kiện cho các em được thể hiện cách nhìn, sự hiểu biết của mình về nước Nga, đó là lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, truyền thống và tình hữu nghị nồng thắm giữa hai nước. Có thể thấy rõ điều này qua các tác phẩm, đó là hình ảnh cái nắm tay đầy thân thương của người dân hai nước, là những tòa lâu đài rực rỡ xinh đẹp của nước Nga, hình ảnh văn hóa qua tà áo dài và váy poneva, cánh chim hòa bình, sự giúp đỡ cùng nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19… Điều đó cũng khẳng định, đây chính là sân chơi bổ ích để các em có dịp giao lưu, học hỏi, khơi dậy niềm đam mê, sự sáng tạo, thể hiện ý tưởng, năng khiếu, suy nghĩ, hành động của mình.
Tác phẩm “Giao lưu văn hóa” đoạt giải nhất khối THCS tại cuộc thi. |
Trước hàng nghìn tác phẩm gửi về, Ban giám khảo đã chọn lọc những tác phẩm có nội dung truyền tải được ý nghĩa của cuộc thi, cũng như đáp ứng được yêu cầu về chất lượng để chấm giải. Theo ông Võ Tấn Tài, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi, hầu hết tranh dự thi có mức độ hoàn thành, chuyển tải được nội dung cuộc thi qua cách biểu đạt của hội họa. Nhiều bức tranh ngoài thể hiện có mức độ hoàn chỉnh, giàu cảm xúc còn có cách biểu đạt tạo hình có xu hướng tiếp cận với hội họa căn bản, bố cục tranh hài hòa, chặt chẽ, xử lý chất liệu tốt…
Cuộc thi đã kết thúc nhưng dư âm vẫn còn đọng lại trong lòng những người tham dự. Cho dù đến từ các cấp học, môi trường sinh hoạt khác nhau, nhưng học sinh tham gia cuộc thi đều mang một tình yêu với nước Nga; các tác phẩm được vẽ nên từ chính trí tưởng tượng và sự hiểu biết góp phần khắc sâu thêm mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga vô cùng tốt đẹp và bền vững.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc