Multimedia Đọc Báo in

Rực rỡ sắc màu trang phục Mông ở Cư San

12:10, 23/12/2020

Dù vào Tây Nguyên sinh sống, lập nghiệp từ lâu, nhưng đồng bào Mông ở xã Cư San (huyện M’Drắk) vẫn giữ gìn những phong tục và trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Xã Cư San có hơn 1.800 hộ, với hơn 9.500 nhân khẩu, trong đó phần lớn là đồng bào Mông từ các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và Lào Cai di cư vào. Dù xa quê từ lâu, người Mông vẫn luôn xem những bộ trang phục truyền thống là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc nên được bà con nơi đây sử dụng thường ngày. Tùy vào thời điểm mặc mà người Mông có thể chọn những trang phục phù hợp. Lúc lên rẫy họ chọn những chiếc áo, váy, quần rộng, họa tiết đơn giản (vải trơn, không thêu, không đính cườm) để đi lại, hoạt động dễ dàng, còn dịp lễ, tết, đám cưới thì chọn cho mình những bộ trang phục sặc sỡ, nhiều chi tiết để tôn lên vẻ dẹp dịu dàng nhưng không kém phần sang trọng. 

Chị Sùng Thị Tỉnh (thôn 11, xã Cư San) đính cườm cho sản phẩm vòng quấn chân.
Chị Sùng Thị Tỉnh (thôn 11, xã Cư San) đính cườm cho sản phẩm vòng quấn chân.

Ngoài những bộ trang phục mua sẵn, nhiều phụ nữ Mông ở Cư San còn tự may, thêu váy, áo cho mình và những người trong nhà. Ở quê hương thứ hai, do không có cây lanh – nguyên liệu làm ra vải lanh của đồng bào Mông, chị em ở Cư San đặt mua vải đã được dệt sẵn về cắt, may, thêu theo sở thích của mình. Những ngày rảnh rỗi không lên nương rẫy, các bà, các chị tranh thủ ở nhà thêu, đính cườm váy, áo để có những bộ trang phục đủ sắc màu, theo sở thích. Với họ, công việc này không chỉ là niềm đam mê mà còn là "thước đo" để đánh giá đức tính của người phụ nữ Mông. Bởi việc thêu dệt đòi hỏi tính kiên trì, khéo léo và cẩn trọng trong từng đường kim, mũi chỉ. Chị Sùng Thị Tỉnh (thôn 11, xã Cư San) cho hay: “Nhà mình vào đây mười mấy năm nay, chồng mình ngày ngày lên rẫy trồng mì, cà phê, còn mình và con gái ở nhà may quần áo cho bản thân mặc và bán cho nhiều người khác. Toàn bộ vải, chỉ thêu, hạt cườm đều được mình đặt hàng ở tỉnh Tuyên Quang rồi gửi xe vào đây. Ở làng mình đang sống (thôn 11) hầu hết là người Mông nên việc may trang phục truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho gia đình". Chị Tỉnh chia sẻ, váy của phụ nữ Mông thường được may rộng, có nhiều nếp gấp, còn áo chủ yếu cổ hình chữ V. Tuy nhiên, hiện nay để phù hợp với nhu cầu của các bạn trẻ, ngoài kiểu truyền thống, chị thường thiết kế thêm nhiều kiểu dáng như cổ tròn, cổ hình trái tim, cổ cúp ngực để khách dễ lựa chọn.

Bà Cư Thị Tru (thôn 9, xã Cư San) cho hay, trang phục của người Mông không chỉ là áo, váy (đối với phụ nữ), quần, áo (đối với nam giới) mà còn nhiều phụ kiện kèm theo như khăn quấn đầu, vòng đeo chân, tất cả đều được thêu, đính rất tỉ mỉ. Để hoàn thiện một bộ trang phục nữ mất rất nhiều thời gian, bộ đơn giản thì khoảng 10 ngày, bộ cầu kì nhiều họa tiết gồm thêu và đính kèm hạt cườm mất cả tháng trời. Do vậy, với những bộ trang phục nhiều chi tiết giá thành rất cao, dao động từ 1 đến 5 triệu đồng/bộ. Thường vào những dịp lễ quan trọng như đám cưới con cái, hay Tết của người Mông mới dám chọn cho mình hoặc con gái một bộ đồ ưng ý. Đang mặc thử bộ váy màu đỏ ưa thích, điểm nhấn là các mũi thêu hoa chi tiết và hạt cườm màu trắng được đính kèm ở phần thắt eo, tay áo và vạt váy, em Mã Thị Lân (15 tuổi, ngụ thôn 10, xã Cư San) bộc bạch: em thích bộ trang phục này từ lâu. Từ màu sắc đến mũi thêu rất hợp với lứa tuổi của em, giá của bộ này khoảng 1,2 triệu đồng nên dù rất thích nhưng em phải suy nghĩ trước khi mua vì gia đình còn khó khăn. Nếu được mẹ mua cho, em sẽ “diện” bộ trang phục này đi chơi vào dịp Tết dương lịch với bạn bè cùng trang lứa.

Em bé người Mông đi chơi cùng mẹ trên chiếc địu với họa tiết thêu tay truyền thống.
Em bé người Mông đi chơi cùng mẹ trên chiếc địu với họa tiết thêu tay truyền thống.

Những ngày dịp lễ Noel, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán đi khắp các trục đường chính – nơi có cộng đồng người Mông sinh sống, ở các tiệm may, shop bán quần áo đều dễ dàng nhìn thấy những bộ áo, váy đủ màu sắc. Cũng như các thợ may, những thương lái ở xã Cư San chủ yếu là người Mông nên ngoài những bộ đồ may sẵn, họ thường mua về gia công thêm, hoàn thiện sản phẩm rồi đem bán cho người dân trong vùng. Cứ chiều chiều, khi việc nương rẫy kết thúc, ở các tiệm bán quần áo lại tấp nập người ra vào xem, thử trang phục, lựa chọn kiểu mẫu phù hợp. Vào Cư San những dịp Tết đến Xuân về, chúng ta dễ bắt gặp hình ảnh những em bé người Mông cho đến người già đều mang trên mình những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu trên nền vải lanh xuất xứ từ các tỉnh miền núi phía Bắc.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.