Multimedia Đọc Báo in

"Sân chơi" của những người mê cổ vật

08:37, 23/12/2020

Những nhà sưu tầm (NST) đam mê cổ vật trên địa bàn tỉnh đã tề tựu lại với nhau tạo thành Nhóm cổ vật Đắk Lắk để cùng giao lưu, học hỏi, chiêm nghiệm và khám phá những tác phẩm nghệ thuật cổ xưa.

Nhóm cổ vật Đắk Lắk hiện nay có khoảng 20 thành viên, cứ mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, họ lại gặp nhau tại ngôi nhà số 10 đường Hải Triều (TP. Buôn Ma Thuột) để sinh hoạt. Hầu hết những thành viên trong nhóm đều có thâm niên sưu tập cổ vật, hiện vật, đồ xưa trong nhiều năm. Hiện nay họ đang lưu giữ hàng nghìn hiện vật có giá trị cao; không chỉ nhiều về số lượng mà còn đa dạng về thể loại từ chum, ché, đồ đồng, gốm... Trong đó, có những cổ vật gốm Việt rất quý hiếm như: gốm Lý Trần (thế kỷ 11-  14), gốm Chu Đậu Hải Dương (thế kỷ 14 - 15), gốm Quảng Đức, gốm Châu Ổ ở miền Trung (thế kỷ 17 - 19); đồ xưa như những kỷ vật chiến tranh: mũ cối, mũ tai bèo, áo trấn thủ, bình toong, máy chiếu phim, máy đánh chữ, radio, đèn bão…

Các thành viên trong Nhóm cổ vật Đắk Lắk cùng thưởng ngoạn, giao lưu về cổ vật.
Các thành viên trong Nhóm cổ vật Đắk Lắk cùng thưởng ngoạn, giao lưu về cổ vật.

NST, nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Võ Minh Luân (TP. Buôn Ma Thuột), một trong những người sáng lập Nhóm cổ vật Đắk Lắk cho biết, hoạt động chính của nhóm là sưu tầm, nghiên cứu, trao đổi cổ vật, hiện vật các loại ở nhiều thời kỳ khác nhau. Ngoài ra, những NST còn hỗ trợ, tư vấn cho nhau trong những trường hợp cần thiết. Đơn cử như việc một thành viên nào trong nhóm dự định muốn sưu tầm một món đồ ưng ý nào đó, nhưng chưa hiểu rõ về hiện vật, còn đang phân vân thì sẽ hỏi ý kiến các thành viên. Ai có chuyên môn về hiện vật đó sẽ chia sẻ quan điểm, sự hiểu biết để tránh mua nhầm hàng giả. Hiện nay, cổ vật giả rất nhiều và rất tinh vi. Do vậy, đôi khi NST cần phải nhờ đến sự trợ giúp của giới chơi cổ vật, để có thể xác định chính xác giá trị của hiện vật mà mình ưng ý.

Hơn hết, mỗi NST khi sưu tập những món đồ cổ đều ít nhiều biết giá trị thời gian gắn liền với từng thời điểm lịch sử của hiện vật. Khi ngắm nhìn đồ cổ, các NST và người thưởng ngoạn càng hiểu thêm về nét văn hóa xưa. Chẳng hạn như các vật dụng bằng gốm ở thời Lý - Trần, thường có hoa văn, họa tiết là hình bông sen hay những cánh sen cách điệu, vì xã hội thời này bị chi phối bởi tư tưởng Phật giáo. Hay dòng gốm Thành Lễ đặc sắc với chất “men xưa”, cách tạo dáng, chấm men, vẽ hoa trang trí công phu, tỉ mỉ với con mắt mỹ thuật của người có tay nghề cao… Thế nên, ngoài sự thỏa mãn nhu cầu tinh thần, NST còn cảm nhận ý nghĩa sâu xa của sự bảo tồn, gìn giữ cổ vật của cha ông qua nhiều thế hệ. Cho dù thời gian đã qua đi hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm thì cổ vật vẫn là vật chứng của thời gian, chất chứa những giá trị văn hóa, tinh thần cho con người đương đại và lưu truyền cho hậu thế. Cổ vật đẹp và quý ở chỗ nó mang trên mình cái hồn của một dân tộc, của một giai đoạn lịch sử, của những nét văn hóa tinh túy nhất của từng thời kỳ.

Chính vì vậy, sự ra đời của Nhóm cổ vật Đắk Lắk được giới sưu tập cổ vật trong tỉnh đón nhận rất hào hứng. Cô Nguyễn Thị Vân (TP. Buôn Ma Thuột), "bóng hồng" duy nhất của nhóm cho đến hiện nay cho hay: “Từ lâu, chúng tôi đã mong muốn có một nơi để sinh hoạt, trưng bày các hiện vật để cùng nhau trao đổi, tâm tình… nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Có thể nói đây là lần đầu tiên ở tỉnh ta có một nhóm, một địa điểm để những NST cổ vật có chỗ để hàn huyên, tâm sự học hỏi và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và sưu tầm cổ vật”.

Chị Nguyễn Thị Vân (bên phải) cùng bạn bè tìm hiểu về đồ xưa.
Chị Nguyễn Thị Vân (bên phải) cùng bạn bè tìm hiểu về đồ xưa.

Hoạt động của nhóm đã và đang mở ra một hướng đi mới về công tác trưng bày, triển lãm, góp phần xã hội hóa các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh. Bởi việc có được một tổ chức các cá nhân cùng nhau giữ gìn, sưu tầm đồ cổ, hiện vật cổ thật rất đáng quý. Trong thời gian tới, nhóm sẽ đề xuất cùng phối hợp với các bảo tàng tổ chức triển lãm nhằm làm phong phú thêm hoạt động, hiện vật trưng bày; giúp người dân, công chúng có thêm cơ hội thưởng ngoạn những món đồ cổ độc đáo và quý giá.

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.