Multimedia Đọc Báo in

Văn nghệ sĩ Đắk Lắk: Góp "dòng nhựa sống" cho vùng đất cao nguyên

10:58, 13/12/2020

Nói đến Đắk Lắk, nhiều người biết đến đây là một địa bàn chiến lược về chính trị, an ninh, quốc phòng; một vùng đất giàu tiềm năng về kinh tế, văn hóa; xứ sở của cà phê, cao su, hồ tiêu…, đồng thời là quê hương của những trường ca đạt tầm sử thi của nhân loại, và là vùng đất có Không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo tồn và phát huy…

Sau khi Buôn Ma Thuột được giải phóng 1975, lực lượng sáng tác ở Đắk Lắk rất mỏng. Bởi vậy phải mất 8 năm với hai đợt “chiêu binh mãi mã” vận động mới thành lập được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh lần thứ I được tổ chức ngày 5-9-1990 với 45 hội viên thuộc các lĩnh vực: Văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, biểu diễn, kiến trúc. Số lượng sách xuất bản trong 15 năm sau ngày thống nhất đất nước của tác giả ở Đắk Lắk chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu nói đến sức lan tỏa thì chỉ có “Thú rừng Tây Nguyên” và “Thất thủ cao nguyên” của Thiên Lương (thể loại văn); giọng ca của Y Moan và ngón đàn Quang Dũng (thuộc phần biểu diễn); “Nghe câu quan họ trên cao nguyên” – Vũ Thiết phổ nhạc thơ của Hữu Chỉnh...

Văn nghệ sĩ Đắk Lắk là lực lượng chủ công trong nhiều chương trình nghệ thuật của tỉnh.  Ảnh: Hoàng Gia
Văn nghệ sĩ Đắk Lắk là lực lượng chủ công trong nhiều chương trình nghệ thuật của tỉnh. Ảnh: Hoàng Gia

Nhưng rồi “đất lành chim đậu”, lực lượng sáng tác Đắk Lắk từ năm 1990 trở lại đây là nơi “trăm miền quê góp nên một miền quê”, đội ngũ văn nghệ sĩ Đắk Lắk đa số là từ nơi khác đến, chọn Đắk Lắk là quê hương mới. Với 49/54 dân tộc Việt Nam từ nhiều vùng miền về đây sinh cơ lập nghiệp, Đắk Lắk trở thành miền đất đa sắc tộc, đa văn hóa… Đặc thù của văn học, nghệ thuật Đắk Lắk là việc thiếu sự kế thừa của bản địa, đa số là kế thừa từ quê hương, bản quán… nhưng rồi các văn nghệ sĩ dần gắn bó, thẩm thấu để bám sát cuộc sống và phục vụ cuộc sống nơi đây. Bởi thế, chỉ cần "đọc vị" tác phẩm là độc giả/khán giả biết tác giả là của Đắk Lắk, dù là văn, thơ hay nhạc, họa, nhiếp ảnh hoặc biểu diễn... Với 200 hội viên nhưng đã có trên 100 lượt người là hội viên của các hội văn học nghệ thuật Trung ương.

Văn nghệ sĩ Đắk Lắk ngày nay đã biết kế thừa tinh hoa truyền thống, tận dụng công nghệ thông tin, vốn kiến thức đa dạng và phong phú về văn hóa, văn nghệ của nhiều dân tộc, nhiều vùng miền đang sống trên mảnh đất hào hùng lịch sử có chiều sâu địa tầng văn hóa của các dân tộc tại chỗ để phát huy khả năng sáng tạo, xác định vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Bởi thế, văn học nghệ thuật Đắk Lắk không ngừng nỗ lực hoàn thiện để đóng góp cho văn học nghệ thuật nước nhà bằng diện mạo của riêng mình trong dòng chảy chung, giống như dòng Sêrêpốk dẫu chảy về hướng tây nhưng vẫn nhập vào sông Mê Kông để có dòng Cửu Long góp nước cho biển lớn.    

Triển lãm Mỹ thuật khu vực V - Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 24, năm 2019 tổ chức tại Đắk Lắk thu hút đông đảo người xem  đến thưởng lãm.    Ảnh: Lan Anh
Triển lãm Mỹ thuật khu vực V - Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 24, năm 2019 tổ chức tại Đắk Lắk thu hút đông đảo người xem đến thưởng lãm. Ảnh: Lan Anh

Văn học nghệ thuật Đắk Lắk từ sau 1975 đến nay là một bộ phận của văn hóa Đắk Lắk nói riêng và nền văn hóa Việt Nam nói chung. Văn học nghệ thuật Đắk Lắk cũng là một dòng chảy đang cố hòa mình vào sông lớn để nhập vào biển cả văn học nghệ thuật nhân loại. Mỗi người cầm bút sáng tạo ở Đắk Lắk giống như một mạch nước góp phần cho dòng chảy thêm lớn mạnh. Mạch nước nào cũng nặng ân tình với đất, cho nên văn nghệ sĩ Đắk Lắk cũng không ngừng nâng cao tay nghề và tâm huyết để đóng góp nhiều hơn nữa vào văn học nghệ thuật tỉnh nhà cũng như văn học nghệ thuật cả nước, giúp những người ở xa Đắk Lắk hoặc chưa một lần đặt chân đến vùng đất này nhưng vẫn thấu hiểu được màu đất đỏ bazan là sự tươi ròng của máu với thắm của hoa từ gần hai triệu trái tim đang gắn bó với đất đai và truyền thống Tây Nguyên, cùng đắm chìm với hương vị cà phê, biết được sự ẩn chứa trong màu xanh bạt ngàn của cao su là những dòng nhựa trắng, thấy rõ được trong hoang sơ của đại ngàn là xu thế phát triển về mọi mặt của đời sống, cảm thông được với những khó khăn gian khổ của con người Đắk Lắk đang gồng mình vươn lên trong khốc liệt của mưa nắng Tây Nguyên, để xây dựng cuộc sống mỗi ngày thêm đẹp.

Khôi Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.