Multimedia Đọc Báo in

Voi nhà vùng bắc Tây Nguyên

08:36, 23/12/2020

Ngoài tỉnh Đắk Lắk, một số buôn làng vùng bắc Tây Nguyên cũng có nghề nuôi voi. Voi là phương tiện chuyên chở, giúp đồng bào thăm thú, đến được những nơi xa để trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm, chở gỗ làm nhà, là vật nuôi có thể đổi được nhiều tài sản giá trị khác.

Trong những năm cuối thế kỷ 20, một số buôn làng của người J’rai ở tỉnh Gia Lai vẫn còn giữ nghề nuôi voi, có thời điểm số lượng đàn voi nhà hàng chục con, mà tiêu biểu là ở Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) và Chư Mố (huyện Ia Pa).

Tập sách có tựa Pays Jörai (Xứ J’rai) của nhà nhân học người Pháp Jacques Dournes (1922 - 1993) có nhiều bức ảnh về voi ở buôn làng J’rai. Gần 25 năm sống ở Tây Nguyên, Jacques Dournes đã để lại một di sản vô giá, trong đó có nhiều ảnh tư liệu về các dân tộc vùng bắc Tây Nguyên trong những năm 1950 - 1960, trong đó những bức ảnh voi nhà chụp ở nhiều góc độ, như bức ảnh voi cái có bành, hai người ngồi trên lưng voi, phía hậu cảnh là những ngôi nhà sàn mái tranh ngăn nắp khá đẹp mắt; bức ảnh khác chụp chú voi đực có ngà dài. Trong tập sách còn có nhiều bức tượng điêu khắc voi ở nhà mồ.

Voi nhà  từng là  “nhân vật” không thể thiếu  trong lễ hội cồng chiêng  ở Gia Lai.
Voi nhà từng là “nhân vật” không thể thiếu trong lễ hội cồng chiêng ở Gia Lai.

Các dân tộc như Bahnar, J’rai - chủ nhân của nền nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc gỗ nổi tiếng ở vùng bắc Tây Nguyên không quên đặc tả con voi với những hình ảnh sinh động. Nghệ nhân J’rai đã dày công sáng tạo nên những bức chạm khắc, những mảng họa tiết hoành tráng, rực rỡ trên mái nhà rông, mái và nóc nhà mồ. Bên cạnh chim muông, hoa lá, những dải hoa văn hình học, hình người uống rượu cần thì hình hai con voi có nài điều khiển, có bành voi trông rất uy nghi, dũng mãnh... được đặt ở vị trí trung tâm, đối xứng qua một mái nhà rông cao vút. Trên nóc nhà mồ của dân tộc J’rai ở làng Kép (Pleiku) hay nhà mồ của dân tộc này ở làng Breng, xã Ia Der (huyện Ia Grai) có những bức chạm khắc sống động hai chú voi đứng chầu, vươn chiếc vòi về phía mái nhà rông. Đây là mô típ đặc sắc thể hiện rõ phong cách nghệ thuật Tây Nguyên. Tuy nhiên, ngày nay tác phẩm này khó tìm thấy nữa vì những nhà mồ cổ xưa đã bị hư hỏng, chỉ còn lại trong những bức ảnh tư liệu và gần như đã thất truyền vì không còn những nghệ nhân tài giỏi như trước đây để có thể sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật như thế.

Bộ sưu tập bông tai ngà voi trưng bày ở Bảo tàng Gia Lai.
Bộ sưu tập bông tai ngà voi trưng bày ở Bảo tàng Gia Lai.

Một số tộc người ở vùng bắc Tây Nguyên như J’rai, Brâu, Rơ Măm, ngoài những món trang sức bằng đồng, bạc, cườm, nanh vuốt thú, họ còn đeo trang sức ngà voi. Đồ trang sức làm bằng ngà voi tưởng chừng phổ biến ở vùng nam Tây Nguyên nhưng lại là món trang sức không thể thiếu của các tộc người ở bắc Tây Nguyên. Ngày nay, tập quán này còn sót lại ở những người già. Cụ bà Y Pế ở Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) là người đeo trang sức ngà voi cuối cùng của dân tộc Brâu. Người J’rai và Bahnar thì đã từ bỏ tập quán này từ lâu. Vào những năm cuối thế kỷ 20, một số phụ nữ J’rai ở Chư Prông là những người cuối cùng làm đẹp bằng bông tai ngà voi. Hiện đồ trang sức độc đáo và quý giá này chỉ là hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng Gia Lai. Cả vùng Tây Nguyên chỉ còn người M’nông, Mạ, Stiêng, Brâu còn bảo lưu tập quán trang sức bằng bông tai ngà voi và đó là những tộc người cuối cùng còn làm đẹp với loại trang sức này.

Bắc Tây Nguyên từng là địa bàn phân bố voi nhà. Con voi ở vùng này cũng góp phần làm nên nét độc đáo trong đời sống tộc người. Sau cái chết của con voi cuối cùng Yă Tao của gia đình ông Ksor Khiêm vào ngày 3-12-2020 ở xã Chư Mố (huyện Ia Pa) , buôn làng ở vùng bắc Tây Nguyên chính thức vắng bóng voi nhà.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.