Multimedia Đọc Báo in

Đội chiêng nữ ở trường nội trú

12:30, 16/01/2021

Từ năm 2005 đến nay, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Krông Ana duy trì một đội chiêng học sinh nữ, sử dụng loại chiêng Jhô. Đội gồm 6 em đánh chiêng, 1 em đánh trống; khi diễn tấu còn có một đội múa, cũng là nữ  sinh trình diễn cùng. Tất cả các thành viên đều là người dân tộc Êđê.

Giáo viên nhà trường đã liên hệ mời các nghệ nhân của đội chiêng nữ buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) đến dạy học sinh đánh chiêng. Trước đó, trường cũng đã tìm mua được một bộ chiêng Jhô. Những em được chọn vào đội chiêng đều là học sinh có năng khiếu văn nghệ, yêu thích đánh chiêng. Buổi đầu làm quen với điệu chiêng, nhịp trống, các em tuổi mới từ 12 - 13 không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng rồi được sự truyền dạy tận tình của các nghệ nhân cùng với sự đam mê, chăm chỉ luyện tập, các em đã tiến bộ rõ rệt. Kỹ thuật đánh chiêng, trình diễn chiêng được các em thực hiện khá thuần thục.

Đội chiêng học sinh nữ của trường đã diễn tấu thành công nhiều bài chiêng cổ như: bài chiêng Wăk wei (Tiếng khung cửi), thường được gọi là “Mừng lúa mới”; Drông duê (Mừng đón khách) còn gọi là bài “Đón khách quý”; Hơk hơk (Vui mừng) được đánh khi mừng nhà mới hay khi làm lễ cúng bến nước... Khi diễn tấu, tùy theo từng bài mà đội chiêng cùng đội múa vừa đi vừa nhún nhảy, di chuyển theo chiều ngược kim đồng hồ hay đội chiêng dàn hàng ngang đứng yên, chỉ đội múa di chuyển.

Trong những ngày lễ, những buổi liên hoan ca múa nhạc, những hội thi văn nghệ của học sinh do ngành giáo dục tổ chức, đội chiêng của trường đều có mặt. Những bài chiêng do các em trình diễn đều được mọi người chú ý, khen ngợi.

Một tiết mục biểu diễn  của đội chiêng học sinh Trường Phổ thông  dân tộc nội trú THCS Krông Ana.
Một tiết mục biểu diễn của đội chiêng học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Krông Ana.

Ngay trong lần tham gia Hội thi văn hóa - thể thao học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV (tháng 12-2005), đội chiêng của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Krông Ana đã được tặng giải A cho tiết mục diễn tấu cồng chiêng bài “Mừng lúa mới”. Liên tiếp những năm học tiếp theo, tại các hội diễn ngành giáo dục cấp huyện, cấp tỉnh, các hội thi Tiếng hát học sinh phổ thông tỉnh Đắk Lắk, Liên hoan Tiếng hát Tuổi hồng… đội chiêng học sinh nữ của trường đều được xếp thứ hạng cao.

Thầy Võ Đại Luân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của trường phổ thông dân tộc nội trú. Việc lập đội chiêng học sinh là một cách để làm tốt nhiệm vụ đó. Không chỉ tham dự các hội thi, hội diễn của ngành, của huyện, đội chiêng của trường còn thường xuyên biểu diễn trong các buổi sinh hoạt chủ điểm, những buổi ngoại khóa hay dịp lễ hội. Để duy trì hoạt động của đội chiêng, nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho các em thường xuyên luyện tập. Ngoài ra, để hoạt động của đội chiêng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa hơn, trường còn tổ chức cho các em trong đội chiêng dạy lại các bạn khác trong trường. Vì thế, từ chỗ chỉ có một số em biết đánh chiêng, hiện nay trường có nhiều em đánh chiêng, biểu diễn chiêng một cách thành thạo.

Hầu hết các thành viên trong đội chiêng đều rất say mê với chiêng, trống và nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Em H’Jeni Êban (học sinh lớp 8) bày tỏ: “Lúc đầu mới tập đánh chiêng em cũng thấy khó nhưng rồi càng học càng đam mê nên cũng nhanh biết đánh thôi”. Em H’Vân Niê (học sinh lớp 9) cũng bộc bạch: “Được học đánh chiêng em thích lắm. Tiếng chiêng là tiếng nói của buôn làng từ xa xưa để lại; là nét đẹp văn hóa truyền thống mà ông bà tổ tiên truyền lại, thế hệ trẻ chúng em phải giữ gìn”.

Hoàng Minh Sơn

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.