Đừng để voi chỉ còn trên ảnh
Voi được coi là biểu tượng của văn hóa Tây Nguyên, gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào nơi đây.
Thế nhưng những năm gần đây, vì nhiều lý do khác nhau, số lượng cá thể voi ở Việt Nam nói chung, ở Tây Nguyên nói riêng đang ngày càng bị suy giảm đến mức đáng báo động.
Ama Năng - Dũng sĩ bắt voi. Ảnh: Chính Hữu |
Đầu tháng 12-2020, con voi Yẵ Tao - con voi cuối cùng ở vùng Bắc Tây Nguyên - do gia đình anh Siu Kiêm (trú xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) nuôi dưỡng đã chết lại gióng thêm một hồi chuông cảnh báo về sự giảm sút liên tục số lượng voi. Theo báo cáo của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, những năm 1990, nước ta có từ 1.500 - 2.000 cá thể voi hoang dã, nhưng nay chỉ còn rất ít. Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, cả nước hiện chỉ còn khoảng 100 cá thể voi hoang dã, sinh sống trên địa bàn rộng gần 135.000 ha. Trong khi đó, voi nhà hiện chỉ còn ở Đắk Lắk, với số lượng 42 con. Tuy nhiên số voi nhà này đều đã có tuổi khá cao (hầu hết đã 50 – 60 tuổi) nên nguy cơ giảm sút số lượng sẽ rất cao trong thời gian tới.
Nét đẹp buôn làng. Ảnh: Chính Hữu |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm nhanh chóng số lượng cá thể voi như: môi trường sống bị thu hẹp, nạn săn bắt và khai thác các sản phẩm từ voi… thì một trong những nguyên nhân quan trọng khác là cách “ứng xử” của con người với voi không hợp lý, hợp lẽ là điều phải suy nghĩ. Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Lương Chính Hữu, một người gắn bó với voi từ cách đây hơn 40 năm thì ngày nay, voi bị đối xử khá “tệ”.
Cách đây hơn 40 năm, voi cũng được sử dụng như một trong những phương tiện lao động quan trọng của người dân Tây Nguyên. Thời ấy, người Tây Nguyên thuần dưỡng voi, khai thác sức mạnh của voi phục vụ cho đời sống của mình, nhưng không hề coi con voi là vật “nô lệ” mà xem như một người bạn, một thành viên của gia đình. Những dũng sĩ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng được buôn làng rất trân trọng gọi là “Gruh”, bởi sự thông minh và lòng dũng cảm của họ đã làm nên nhiều huyền thoại… Voi trở thành một phần đời sống vật chất và tinh thần của con người Tây Nguyên, tạo nên nét đẹp văn hóa của buôn làng. Bởi thế sau những giờ lên nương, làm rẫy, kéo gỗ… cùng con người, voi lại được hòa vào thiên nhiên hoang dã.
Nghệ sĩ Chính Hữu kể, lúc ấy không khó để bắt gặp cảnh những con voi cái, voi đực dễ dàng tìm “bạn tình”, thực hiện chức năng duy trì nòi giống ở bìa rừng gần với buôn làng. Cũng nhờ thế mà trong cuộc đời làm nghệ thuật nhiếp ảnh của mình, nghệ sĩ Chính Hữu có được những tác phẩm “kinh điển” về voi như voi kéo cày làm ruộng, voi kéo gỗ làm nhà, hay voi quây quần cùng với con người bên cối giã gạo, thẩn thơ trong rừng cùng chủ nhân của mình... Những cảnh thanh bình của voi ấy dường như đã trở thành “của hiếm” trong giai đoạn sau này, nhất là những năm gần đây.
Người bạn nhà nông. Ảnh: Chính Hữu |
Với sự sụt giảm nhanh chóng số lượng cá thể voi, việc bảo tồn voi là vấn đề được Chính phủ hết sức quan tâm. Nhiều quyết định, đề án, kế hoạch và nguồn lực lớn nhằm bảo vệ voi đã được Chính phủ thông qua. Bên cạnh đó cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc giúp voi nhà sinh sản, nhưng tất cả đều “bất thành” vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là voi mẹ đã lớn tuổi nên voi con khi sinh ra đều có sức sống yếu. Nhiều chuyên gia cho rằng, những nỗ lực này chưa đủ để bảo vệ loài voi trước tình trạng nguy cấp như hiện nay, bởi ngoài việc bảo vệ môi trường sống cho voi, xử lý nghiêm hành vi săn bắt và mua bán các sản phẩm từ voi thì cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng tại địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ đàn voi cho người dân, giúp họ giảm thiệt hại tại những vùng hay xảy ra xung đột với voi. Đặc biệt là phải có giải pháp tạo nguồn sinh kế lâu dài cho người dân để họ có điều kiện đối xử tốt hơn với voi, khai thác hợp lý sức voi… thì lúc ấy may ra voi mới có thể không chỉ còn trên ảnh.
Điểm đến bên hồ Lắk. Ảnh: Chính Hữu |
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc