Multimedia Đọc Báo in

Nhớ rét xưa một thời khốn khó

09:26, 17/01/2021

Bao năm sinh sống ở đất Tây Nguyên nắng gió, cảm giác rét mướt xứ Bắc trong tôi dường như không còn nữa. Mỗi lần về thăm quê đều trúng mùa nắng nóng, cứ như là sợ, là tránh, là trốn cái rét cắt da cắt thịt.

Tháng mười một ta, ngày đầu về quê thấy trời nắng ấm, mừng, tôi cao hứng ngâm nga: “Tôi lại về với quê hương/Đông chưa mang lạnh để hường má em”. Vậy mà, sáng tinh mơ hôm sau tỉnh dậy, làm mấy động tác thể dục xong rồi mở cửa bước ra sân, một cảm giác lạ khiến tôi rùng mình. Gió xào xạc. Thì ra đông mang lạnh đã về.

Tôi nói với mẹ, hình như hôm nay rét rồi, lạnh quá! Cụ nói, này thì đã thấm chi, năm ngoái năm kia những 9, 10 độ. Buốt lắm!

Ừ, hôm nay đài báo đâu 17, 18 độ. Thường thôi. Chỉ kẻ tha phương lâu ngày như tôi, lại ở nơi xứ nóng về nên chưa chi đã cảm thấy rét run.

Mùa Đông năm 2020, thời tiết Buôn Ma Thuột lạnh hơn trung bình nhiều năm. Ảnh: Nguyên Hoa
Nhớ bếp củi một thời.  Ảnh: Nguyên Hoa


Trong không khí lạnh buốt ấy, tự nhiên tôi lại nhớ đến những mùa giá rét năm xưa. Lâu lắm rồi. Cái thời “đói nghèo trong rơm rạ”, cái thời luôn cháy bỏng giấc mơ “cơm no, áo ấm, chăn lành”.

Đất xứ Nghệ mùa hè thì nắng cháy da, gió Lào rát mặt. Mùa đông thì giá rét căm căm. Nhưng đối phó với cái nắng dễ hơn cái lạnh. Nắng quá thì ra đồng từ ba bốn giờ sáng hay bốn năm giờ chiều. Rét thì không thể, cứ co ro suốt ngày.

Nhà cửa thưng bằng phên nứa, gió mùa đông bắc về lùa qua kẽ phên lồng lộng. Quần áo mong manh, vá đụp vá chằng. Áo bông là thứ xa xỉ ít người sắm được. Nhà chỉ có vài cái chăn chiên mỏng tang, dùng lâu còn bị rách te tua. Giường tre, chiếu cói. Gió không chỉ lùa từ ngoài vườn vô nhà. Gió còn lùa từ dưới lớp sạp tre thưa, manh chiếu mỏng khiến lưng người lạnh buốt thâu đêm.

Để chống rét, người dân quê làm đủ mọi cách. Đánh tranh rạ ốp bên ngoài phên nứa để chắn gió. Cũng tranh rạ ấy cắt xén cho vừa trải lên giường làm nệm. Nhà không có giường thì quây ván hay phên, cót, rồi lót rơm hoặc lá chuối khô vào làm ổ. Anh em chúng tôi đã từng được bà nội ủ mình ấm áp trong cái ổ lá chuối khô diệu kỳ ấy.

Nhưng không thể suốt ngày trong ổ rơm, ổ lá chuối được. Lại phải tìm củi sưởi. Nào gốc cây, gốc tre. Không có củi thì đốt rơm rạ, rấm trấu. Cái bao bố khoét lỗ cũng biến thành áo khoác.

Những cách chống rét độc nhất vô nhị ấy hiệu quả ra phết. Cái rét bị đẩy lùi một bước. Nhưng cũng chỉ ở trong nhà thôi. Người dân quê còn phải ra đồng, ra bãi sản xuất, chăn nuôi, kiếm miếng ăn mà chống rét. Mỗi sáng ra đồng, người nông dân thật vất vả, cực nhọc. Bụng đói, áo quần mong manh, chân trần lội ruộng. Rét như cắt, buốt như kim châm nhưng các chị, các mẹ, các em vẫn phải dầm mình trong mưa phùn gió bấc dưới ruộng bùn cấy lúa. Tay chân tê cóng. Áo tơi quàng mình chỉ che bớt gió nhưng không cản được giá buốt. Bữa sáng trước khi ra đồng của người dân quê thời đó là khoai lang lót dạ, thậm chí nhiều nhà còn phải nhịn đói.

Bọn trẻ chúng tôi không đến nỗi cực nhọc như người lớn nhưng chăn trâu, cắt cỏ mùa rét cũng chẳng sung sướng gì bởi rét mướt không chừa một ai. Ấy vậy mà cũng có trò vui ra phết. Để chống rét, chúng tôi chuẩn bị sẵn con cúi bện bằng rơm. Cái “lò sưởi di động” thời… 1.0 ấy thế mà rất hiệu quả trong việc sưởi ấm. Rồi thì rủ nhau tìm củi, lá khô đốt lửa sưởi; nướng khoai, nướng đậu ve; bắt cả châu chấu, cào cào để nướng.

Ảnh: Nguyên Hùng
Quây quần bên bếp lửa. Ảnh: Nguyên Hùng

Mùa đông đi liền với mưa phùn, gió bấc. Đường làng nhớp nháp, trơn trượt, lầy lội. Khổ nhất là việc đi học. Chân không giày không dép, bọn trẻ nhiều đứa ngã oành oạch. Quần áo mỏng manh lấm bùn, thấm nước, lạnh thấu xương.

Giá rét để lại “di chứng” trên cơ thể. Da dẻ xù lên, chân tay nứt nẻ, gót chân tứa máu. Nó không buông tha cả khuôn mặt người. Đôi má chỉ hồng lên khi vừa chớm rét. Rồi nó sẽ sạm lại, khô ráp, nứt nẻ đến tội nghiệp một khi cái rét kéo dài. Cặp môi son không còn nhận ra được nữa bởi đã bị phể (nứt nẻ) như ruộng hạn mùa đông. Nghĩ mà thương chị em phụ nữ ngày ấy.

Bây giờ thì, vẫn rét thật đấy. Cũng 8 - 9 độ, có nơi còn âm, băng giá. Nhưng con người đã bớt khổ sở vì rét. Chuyện ăn mặc không còn là nỗi lo mỗi khi mùa đông đến, dù vẫn còn đó, ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, có những phận người đang vất vả chống chọi với mùa đông trong đói cơm rách áo. Đời như một tấm chăn tuy rộng nhưng không phủ hết mọi phận người.

Nguyễn Duy Xuân

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.