Multimedia Đọc Báo in

Bộ sưu tập hiện vật về "bạn của nhà nông"

06:15, 24/02/2021

Con trâu là loài vật quen thuộc, gần gũi với đời sống người dân từ nền văn minh lúa nước. Hình ảnh con trâu không chỉ hiện diện trong kho tàng ca dao, tục ngữ mà còn được lưu giữ qua các hiện vật xưa, thể hiện nét đẹp về đời sống, về phong tục tập quán vùng miền của các dân tộc trong cả nước.

Theo quan niệm xưa, con trâu là đầu cơ nghiệp, là biểu tượng của sự chăm chỉ, tập trung và có sức lao động bền bỉ. Trong thuyết phong thủy con trâu cũng là biểu tượng cho sự chắc chắn, may mắn và an lành, bền vững, vì lẽ đó hình tượng trâu xuất hiện khá nhiều trong đời sống của người dân.

Nhà nghiên cứu, nhà sưu tập cổ vật Võ Minh Luân (TP. Buôn Ma Thuột) sở hữu bộ sưu tập những hiện vật liên quan đến con trâu khá phong phú: hộp phấn cổ Chu Đậu thế kỷ XIV - XV, các bức thiệp, tranh vẽ, đồ gia dụng có hình ảnh con trâu; những con trâu bằng gốm với nhiều thế hoạt động thú vị như trâu ăn cỏ, trâu húc nhau…

Nhà nghiên cứu, nhà sưu tập cổ vật Võ Minh Luân giới thiệu những hiện vật gắn với con trâu.
Nhà nghiên cứu, nhà sưu tập cổ vật Võ Minh Luân giới thiệu những hiện vật gắn với con trâu.

Anh Luân cho biết, bản thân tuổi Sửu nên rất thích sưu tập những hiện vật liên quan đến con trâu. Qua nhiều năm tìm hiểu, tìm kiếm, đến nay anh đã sưu tầm được khoảng hơn 100 hiện vật liên quan đến trâu ở nhiều niên đại khác nhau. Chính anh cũng bất ngờ vì những hiện vật này mang đến những giá trị tinh thần to lớn cho người thưởng thức, không chỉ ở góc độ thẩm mỹ mà còn ở góc độ kiến thức về đời sống, văn hóa… thời điểm hiện vật ra đời.

Đơn cử như chiếc chóe (thuộc dòng gốm Biên Hòa, thập niên 70, thế kỷ XX) có màu sắc tươi sáng, thể hiện sự tích đâm trâu của người Tây Nguyên. Theo đó, trước đây, vào khoảng thời gian từ tháng Chạp cho đến tháng Ba (âm lịch), khi mùa màng thu hoạch xong, lương thực đã đủ, các gia đình sẽ được nghỉ ngơi. Một số dân tộc ở Tây Nguyên sẽ tổ chức lễ đâm trâu để tạ ơn thần linh, đón mừng năm mới, cầu mong sức khỏe cho mọi người và cầu chúc cho một năm mới mùa màng tươi tốt. Dân làng chọn một con trâu khỏe mạnh làm vật hiến sinh, con trâu này được coi như vị sứ giả chuyển lời cầu khấn, ý nguyện của bà con tới các vị thần...

Chiếc chóe (thuộc dòng gốm Biên Hòa, thập niên 70, thế kỷ XX) tái hiện sự tích đâm trâu của người Tây Nguyên.
Chiếc chóe (thuộc dòng gốm Biên Hòa, thập niên 70, thế kỷ XX) tái hiện sự tích đâm trâu của người Tây Nguyên.

Hình ảnh chú mục đồng chăn trâu được thể hiện trên khá nhiều hiện vật, từ chiếc tích (ấm) uống nước cho đến tranh, thiệp, hay tượng gốm, thể hiện một nét văn hóa của nền văn minh lúa nước, đời sống yên bình gắn bó với thiên nhiên, đồng ruộng. Trâu giúp nhà nông công việc đồng áng, đồng thời là một người bạn thân thiết của họ. Hình ảnh chú bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo còn gợi liên tưởng về cuộc sống nhiều màu sắc, người nông dân không những cần cù lao động làm ra của cải vật chất mà còn yêu nghệ thuật, biết làm ống sáo bằng cành trúc, cuộc sống luôn vui vẻ, lạc quan...

Những hình tượng trâu trong tranh, ảnh hay tượng, hiện vật dân gian rất chân thực và giản dị; thể hiện sự gắn bó, gần gũi với người lao động, với người Việt Nam qua bao đời. Đối với anh Luân, việc sưu tập hình ảnh, hiện vật liên quan đến trâu còn giúp anh nhắc nhở bản thân luôn phát huy những đức tính tốt đẹp để làm gương cho con cháu mai sau.

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.