Người kể chuyện bằng tượng
Sau gần 30 năm kể từ ngày cầm khúc gỗ đầu tiên để tạo nên những bức tượng sống động, nghệ nhân tạc tượng y thái êban (buôn kmrơng prông b, xã ea tu, tp. Buôn ma thuột) - một trong những nghệ nhân tạc tượng thủ công giỏi của tỉnh - vẫn đong đầy tình cảm và niềm say mê với nghề.
Nghệ nhân tạc tượng Y Thái Êban. Ảnh: Y.NIN |
Năm nay đã tròn 50 tuổi, nghệ nhân Y Thái Êban vẫn linh hoạt, mạnh mẽ như chàng trai tuổi đôi mươi. Những khúc gỗ vô tri dưới đôi tay khéo léo của ông trở thành những hình hài sinh động, rất có “hồn”. Ông kể rằng, từ năm 18 tuổi ông đã được đi theo cha, theo chú xem họ tạc tượng. Khi ấy, ông chưa có khái niệm học, mà chỉ biết nhìn người lớn đục, đẽo rồi thích, nhớ và tự biết làm lúc nào không rõ. Những ngày đầu tiên cầm dùi, cầm đục, đôi tay lóng ngóng, không thể điều khiển theo ý mình, khiến khúc gỗ nguyên vẹn bị hư.
Thế nhưng, càng làm càng mê, càng sai càng muốn sửa, ông cứ thế say mê học hỏi để tạo nên những tác phẩm cho riêng mình. Đến nay, chỉ cần nhìn khúc gỗ, nghe ý tưởng của gia chủ, khách hàng, hoặc từ ý tưởng của bản thân là ông đã có thể tự tính toán để làm nên bức tượng hoàn chỉnh. Với ông, điều quan trọng nhất của tác phẩm không phải là sự chuẩn xác của kích thước, mà chính là ý nghĩa, sự gửi gắm của mỗi con người trong đó. Nghệ nhân tâm sự, có lẽ điểm đặc biệt nhất trong các bức tượng chính là sự biểu đạt trên khuôn mặt; nó không những thật nhất mà phải còn giàu cảm xúc, khi nhìn vào, người xem ngầm hiểu được thông điệp bức tượng mang lại.
Là người con Êđê, ông luôn trân trọng, tự hào về văn hóa của dân tộc mình. Với ông, tạc tượng là hơi thở, là cuộc sống, và trên hết là giữ gìn được nghề truyền thống của dân tộc. Mỗi bức tượng được tạc nên dường như là câu chuyện ông muốn chuyển tải đến mọi người về đời sống văn hóa, tinh thần và sinh hoạt của dân tộc Êđê. Ví như tác phẩm “Thầy cúng và người đàn bà phụ cúng” của ông mang ý nghĩa về tín ngưỡng, thể hiện công việc và sự tôn trọng đối với thầy cúng, người được bà con tin cậy, cho rằng có thể giao tiếp với thần linh, giúp bảo vệ họ khỏi ma quỷ và cầu xin đến Yang cho mùa màng bội thu. Hay như bức tượng người chống cằm để ở nhà mồ, lễ tang sẽ thay mặt những người ở lại thể hiện nỗi buồn về một người đã mất, để lại bao nhớ thương; bức tượng người phụ nữ dệt vải, giã gạo toát lên sự chăm chỉ, đảm đang…
Nghệ nhân tạc tượng Y Thái Êban bên những bức tượng do ông tạc. |
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 2.822 nghệ nhân, trong đó có 242 nghệ nhân tạc tượng. Đại đa số trong đó tuổi đã cao, cần phải có người kế thừa.
|
Điều đáng mừng là thời gian qua, công tác bảo tồn văn hóa dân gian của người dân tộc thiểu số nói chung và người Êđê nói riêng được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, tổ chức các cuộc thi, triển lãm... về lĩnh vực này. Với tài năng và tâm huyết, nghệ nhân Y Thái Êban tham gia nhiều chương trình, sự kiện liên hoan văn hóa trong và ngoài tỉnh, đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả qua từng tác phẩm riêng.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người dân, doanh nghiệp muốn tìm lại vốn văn hóa dân gian qua các ngôi nhà truyền thống có tượng, có gỗ được điêu khắc. Sự tâm huyết và tay nghề của ông được nhiều gia chủ trân trọng đón mời, nhờ đó ông có thêm thu nhập và điều kiện duy trì đam mê với nghề. Điều vui nhất của ông chính là có thể truyền cảm hứng đam mê này cho 2 người con trai. Dù mới ở độ tuổi thiếu niên nhưng các con của ông cũng đã bộc lộ được năng khiếu, có thể đục, đẽo tạo nên những tác phẩm từ gỗ đơn giản. Đó cũng là mong ước của ông, được truyền nghề lại cho thế hệ trẻ. Bất kỳ ai có đam mê, sự kiên nhẫn ông đều chỉ dạy tận tình. Ông luôn mong cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để các nghệ nhân như ông sẽ có “đất” thỏa sức thể hiện những tác phẩm điêu khắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên.
Ánh Ngọc
Ý kiến bạn đọc