Thơ hoài niệm của người chiêm nghiệm
Tôi quen biết với nhà thơ Triệu Cơ trên dưới 30 năm, định lượng thời gian đủ nói lên tình bạn vong niên keo sơn gắn bó.
Đời thơ của Triệu Cơ rất dài nhưng anh rất kĩ tính nên chỉ in riêng hai tập (không kể những bài in chung trang các tuyển tập). Tập đầu tiên là “Trăng xuân” gồm 45 bài; tập thứ hai là “Lấp lánh ngàn sao” chỉ có 41 bài mới thấy sự nghiêm cẩn của anh với thơ.
Đọc thơ Triệu Cơ, tôi cứ tự hỏi: Cái gì đã cuốn hút mình đến vậy? Phải chăng là sự hoài niệm thành dòng tuôn chảy, lai láng và duềnh lên cả vùng ký ức của một người thơ, đời thơ đã từng trải, chứng kiến bao biến cố trong giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc mà anh may mắn được góp mặt.
Triệu Cơ sinh năm 1932 ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Vào tuổi hai mươi, anh đã hành quân Nam tiến để sau Hiệp định Giơ-ne-vơ đi tập kết, đúng hơn là trở về miền Bắc học tập, đủ tri thức làm cán bộ giảng dạy Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Sau khi thống nhất đất nước, anh là giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên, Ban Mê trở thành điểm hẹn cho thơ anh cất cánh.
Ngay từ năm 1951 ở Nông Cống (Thanh Hóa), anh đã viết bài “Nam Tiến”: Trời Nam nhằm hướng đích quân hành…/Từ đây đến nếm trải bụi chiến chinh. Giọng điệu còn hơi hướng anh hùng hiệp sĩ, giang hồ nghĩa sĩ của một thời dấn thân nhưng toát lên niềm tin để chấp nhận gian lao.
Từ năm 1954, thơ anh nghiêng về hoài niệm, hoài niệm tuôn mạch đầy ắp từng trang. Có sự hoài niệm rất thật và cũng rất lạ vì chưa gặp người thể hiện. Ấy là người lính ở chiến trường, hoài niệm về những đám cưới có cô dâu mặc áo màu trắng tinh khôi. Chỉ đến khi bị thương vào bệnh viện mới nhớ lại: “Tôi vào bộ đội quên màu trắng/Tà áo trắng xưa vắng bóng hình” (Giấc mơ màu trắng). “Quên màu trắng” là quên những đám cưới, quên khái niệm cô dâu. Ẩn sau đó là khát vọng lứa đôi của bạn, của mình – người lính thời lửa đạn.
Triệu Cơ hoài niệm với cả lịch sử đương đại mà mình góp phần. Trở lại Vườn Trầu, nhớ cô du kích đã hy sinh, tình và cảnh trong hoài niệm xé lòng: “Đêm nay ngược dốc trăng khuya/Một người cõi Bắc lần về tìm ai…/Dưới trăng con dế khóc hoài/Thương ai đứng giữa trần ai… một mình!” (Tình khúc sau chiến tranh). Tôi rất tâm đắc chữ anh dùng, cột trói dòng suy cảm, neo móc bởi “lần về”. Giả dụ thay chữ “lần về” bằng “trở về”, “chạy về”, “bay về” hoặc một chữ nào khác thì hết gợi nhớ, gợi thương, chữ chỉ còn xác mà không có hồn. Còn đâu là tính chất nặng yêu thương, gánh chịu mất mát, già nửa cuộc đời mới có dịp tìm về chốn cũ.
Trong bài “Niềm vui… thoáng buồn” rất biện chứng. Ai cũng mong con cái lớn lên, trưởng thành, mang cho ta niềm vui nhưng cũng có thoáng buồn. Chỉ là thoáng thôi vì vui là chính. Thoáng ấy là nghĩ mình già đi, cũ đi một chút: “Trước niềm vui bất chợt/Thoáng chút buồn xa xôi/Chỉ vầng trăng mới tỏ/Ta – xưa lắm rồi”.
Nhìn con, mừng cho con nhưng chạnh lòng vì thời gian đi qua con cũng là đi qua mình.
Bài thơ êm trôi bình lặng thể ngũ ngôn, đột ngột hạ câu kết, có bốn từ là dụng công của tác giả. Ngắt dòng đột ngột mang phần tiếc nuối: Ta – xưa lắm rồi! Phục bút là ở chỗ này: Ta – xưa, hay, thật hay và hoài niệm.
Bài “Vô đề III” chỉ có bốn câu nhưng đủ ẩn ý chiêm nghiệm cả cuộc đời: “Nửa thế kỉ đu với mặt trời/Mặt Trời nghiêng ngả Mặt Trời rơi/Đêm về hội tụ ngàn sao sáng/Thỉnh một hồi chuông, miệng mỉm cười”. Chữ “đu” hay, là sự giằng xé, kéo co với thời gian để tồn tại. Câu kết là sự giải tỏa, vô ưu, đạt đạo: Thỉnh một hồi chuông miệng mỉm cười.
Viết về anh, tôi có lưu ý: Thơ của người tuổi cao thường có phần “kiểm kê”, thời gian đi qua, có luyến tiếc, có ân tình, mạch cảm hứng dồn vào hoài niệm. Trong bài thơ viết về người mẹ sinh thành, có cả hoài niệm thời gian, không gian. Nỗi buồn đau, tê tái thể hiện từng câu chữ. Được treo lên, ghim vào các từ “dán mắt”, “lật tìm”: Một bà già tóc trắng xóa/Dán mắt lên từng viên ngói cũ/Lật tìm quá khứ/Nền xưa…/Trăng xưa…
Bài “Lấp lánh ngàn sao” được lấy tên chung cho tập thứ hai cũng chỉ có bốn câu, tổng kết buồn vui của cuộc đời, dù có thế nào vẫn tràn đầy tin yêu, hy vọng: Nửa cuộc đời neo về hướng ấy/Mặt trời hướng ấy tối u rồi/Về nơi LẤP – LÁNH – NGÀN – SAO rạng/Lại thấy sáng lên nửa cuộc đời.
Thật đấy mà cũng hư ảo đấy. Vì mỗi người đều có góc khuất, có hai mảng sáng – tối, miễn là chọn đúng hướng đi cho mình.
Gần 90 tuổi đời, 70 năm hoạt động và làm thơ, trải nghiệm và chiêm nghiệm nên thơ Triệu Cơ hàm súc. Thơ thường ngắn. Tình ẩn chứa trong câu chữ. Ý tại ngôn ngoại. Tôi yêu thơ Triệu Cơ là vì lẽ đó.
Anh đã từng học Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn rồi năm 1950 cùng đoàn quân Nam tiến, đánh giặc ở Phú Yên, bị thương rồi tập kết ra Bắc học Trường Đại học Xây dựng. Năm 1977, thành lập Trường Đại học Tây Nguyên, anh được điều vào làm Trưởng Phòng Giáo vụ, từ đó gắn bó với Đắk Lắk. Tên thật của anh là Hồ Văn Nghi, dòng dõi Nho học có tiếng ở đất Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Những cống hiến của anh đã được ghi nhận: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Hai cùng nhiều huân huy chương khác như: Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Vì sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật.
Viết đôi dòng về thơ của người anh đáng kính và lòng cũng bồi hồi về hoài niệm ẩn chứa trong câu chữ. Hoài niệm đậm nét trong thơ người chiêm nghiệm – thi sĩ Triệu Cơ.
Tháng Ba năm 2021
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc