Buôn Ma Thuột - một phần trong hình hài Trịnh Công Sơn
Sáu mươi hai năm làm “người hát rong” đi qua trần gian này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho cuộc đời hơn 600 ca khúc thấm đẫm nhân tình, thế thái.
Những vùng đất mà nhạc sĩ từng đi qua và gắn bó như Huế, Đà Lạt, Quy Nhơn, Sài Gòn xưa… đều hiện lên trong suy tư âm nhạc của ông - có nơi minh thị, rõ ràng, có nơi xa mờ, sương khói và vấn vương qua mỗi phận người, phận đời đau đáu.
Riêng có một nơi rất đặc biệt - Buôn Ma Thuột, ở đó Trịnh Công Sơn đã cất tiếng khóc chào đời và có những năm tháng tuổi thơ bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng thật lạ, trong những ca khúc của nhạc sĩ tài danh này tuyệt nhiên không thấy nhớ (nhắc) đến nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Có chăng thì cũng chỉ phảng phất trong “Lời thiên thu gọi”: Về trên phố cao nguyên ngồi/ Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi… Và phố cao nguyên ấy chính là xứ Blao (Bảo Lộc - Lâm Đồng) ngày nay - nơi nhạc sĩ đã từng sống và dạy học vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Ông Trịnh Xuân Thanh và con trai Trịnh Công Sơn thời gian ở Buôn Ma Thuột (1938 - 1943). (Ảnh do gia đình cung cấp). |
Nhiều người đặt câu hỏi: Mảnh đất Buôn Ma Thuột, dù sao cũng là quê hương đầu tiên của Trịnh, nhưng không để lại dấu ấn nào trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của ông? Chúng tôi đi tìm câu trả lời này từ những người thân của nhạc sĩ hiện còn sống ở trong nước và nước ngoài. Ông Trịnh Xuân Ấn (72 tuổi, trú tại TP. Buôn Ma Thuột), là anh con bác ruột của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) nói rằng: "Với Sơn quê hương lớn nhất, thường trực nhất có lẽ là nước Việt thân yêu này. Những nơi chốn đi về và hiện lên trong sáng tác của Sơn là mảnh ghép làm nên bức tranh âm nhạc thiên thu của ông. Tuy nhiên những mảnh ghép ấy không có tên Buôn Ma Thuột là vì Sơn rời nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình từ khi còn rất bé".
Theo lời kể của ông Ấn cũng như trong gia phả họ Trịnh ghi: Trịnh Công Sơn chào đời ngày 28-2-1939 tại làng Lạc Giao, Buôn Ma Thuột - và chỉ 5 năm sau đó (1943), gia đình Sơn đưa nhau trở lại Huế do chiến tranh loạn lạc. Lúc này Trịnh Công Sơn chưa đầy 5 tuổi đã cùng với ba mẹ là ông Trịnh Xuân Thanh, bà Lê Thị Quỳnh và em trai là Trịnh Quang Hà (SN 1941) trở về cố hương tiếp tục cuộc mưu sinh. Ông Ấn chia sẻ thêm: "Riêng Sơn là anh cả trong gia đình có 8 anh em (3 trai, 5 gái) nên thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ sớm hôm một mình nuôi dạy con cái kể từ khi người chồng qua đời vào năm 1955 do tai nạn giao thông - vì thế sau khi lấy được bằng Tú tài bán phần, Sơn đã ghi danh vào học Trường Sư phạm Quy Nhơn khóa đầu tiên (1962 -1964) với mong ước chia sẻ một phần gánh nặng với gia đình".
Ông Trịnh Xuân Ấn (bên trái, con trai bác ruột của Trịnh Công Sơn) trò chuyện với phóng viên tại nhà riêng ở 54 Văn Cao, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Minh Tự |
Sau khi hoàn thành khóa học trên, Trịnh Công Sơn trở thành ông giáo, vừa dạy học vừa sáng tác âm nhạc ở nhiều nơi, nhưng tuyệt nhiên không trở lại Buôn Ma Thuột lần nào nữa, cho đến ngày đi xa mãi (1-4-2001). Ông Ấn cho rằng, lý do mà Sơn không trở lại nơi này vào thời điểm trước năm 1975 là sợ bị bắt đi lính (Việt Nam Cộng hòa) - và sau ngày đất nước thống nhất 1975, là do điều kiện, hoàn cảnh đời sống chi phối. Tuy nhiên, hai tiếng quê hương - dù rộng lớn hay nơi chốn bé nhỏ, cụ thể nào đó vẫn thường trực và ám ảnh trong suy tư của nhạc sĩ tài danh ấy. “Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa/ Giọng người gọi tôi tha thiết rất nhu mì…” - (Bên đời hiu quạnh) cũng là sự trải lòng và biết ơn cuộc đời đã cho Trịnh Công Sơn có mặt trên cõi nhân gian này, trong đó thời gian ngắn ngủi ở Buôn Ma Thuột là “dấu gạch đầu dòng” trong miên viễn của đời người mà Trịnh đã cảm nghiệm ra như “Cát bụi”.
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai vươn hình hài lớn dậy/ Ôi cát bụi tuyệt vời mặt trời soi một kiếp rong chơi” - Và có lẽ hạt bụi kia cũng có một phần đến từ vùng đất đỏ Buôn Ma Thuột này để làm nên hình hài tuyệt vời mang tên Trịnh Công Sơn. .
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc