Nỗi trăn trở của đội chiêng Lào
Từ lâu, Đội nhạc cụ Lào ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) đã trở thành niềm tự hào của người dân buôn Trí A nói riêng, xã Krông Na nói chung khi biểu diễn thành thạo những bài hát, nhịp chiêng và điệu múa Lào. Tuy nhiên hiện nay những nhạc cụ của đội bị hỏng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tập luyện và biểu diễn.
Năm 2013, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tổ chức một lớp dạy đánh chiêng và hát dân ca Lào cho thanh thiếu niên xã Krông Na, với sự hướng dẫn của vợ chồng giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành âm nhạc dân gian Sochok Sunontad và Sathaphon Sunontad, người Thái Lan, gốc Lào. Sau khi hoàn thành khóa học, Đội nhạc cụ Lào xã Krông Na với 8 thành viên, đội múa Lăm vông với 5 thành viên được thành lập; một số nhạc cụ Lào do hai vợ chồng giáo sư Sochok và Sathaphon tặng gồm: đàn phin, khaen (một dạng khèn), vuột, trống, pi (một dạng sáo), đàn pông lan và sập xèng.
Thành viên Đội nhạc cụ Lào cố gắng luyện tập dù nhiều nhạc cụ bị hỏng. |
UBND xã Krông Na cũng đã có công văn gửi Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào với mong muốn cùng hợp tác, hỗ trợ mua nhạc cụ Lào và gửi về trước dịp Tết cổ truyền Bunpimay - Lào, dự kiến sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 4-2021, để CLB nhạc cụ Lào có thời gian tập luyện và biểu diễn.
|
Năm 2016, anh Y Nô Ly Kbuôr, Đội trưởng Đội nhạc cụ Lào và cũng là Phó Bí thư Đoàn xã Krông Na, với niềm đam mê và mong muốn gìn giữ âm nhạc dân tộc Lào cho thanh thiếu niên địa phương, đã tham mưu với Hội Liên hiệp Thanh niên xã Krông Na thành lập Câu lạc bộ (CLB) nhạc cụ Lào. Từ đó, đều đặn vào mỗi dịp hè, anh Y Nô Ly cùng với các thành viên của CLB lại tổ chức lớp dạy đánh chiêng Lào cho thanh thiếu nhi ở trong buôn. Các lớp học này trung bình có khoảng 20 thành viên từ 10 cho đến 27 tuổi. Anh Y Nô Ly chia sẻ, các lớp học đánh chiêng với nguồn kinh phí xã hội hóa được nhiều người dân trong buôn ủng hộ và tạo điều kiện cho các em đến học. Thế nhưng đến nay, qua nhiều năm sử dụng, chỉ có hai nhạc cụ là sập xèng (bằng thép) và đàn pông lan còn sử dụng được, một số bị hỏng, không thể sử dụng được, một số thì sửa chữa để dùng tạm trong những buổi biểu diễn. Trên địa bàn không có nghệ nhân về các nhạc cụ Lào nên việc sửa chữa, thay thế là rất khó khăn.
Anh Y Thuyết Niê, thành viên mới gia nhập của CLB nhạc cụ Lào chia sẻ: "Do đa phần nhạc cụ làm bằng tre nứa nên dù chúng tôi cố gắng giữ gìn nhưng không tránh khỏi hư hỏng. Nhạc cụ quan trọng nhất của đội là hai cây đàn phin, dây bị đứt, các bộ phận thì gãy, hỏng... Mọi người phải chế lại rất nhiều nên hiện giờ chỉ có một đàn dùng được nhưng chỉ có hai dây thôi".
Nhạc cụ khaen bị vỡ, thành viên của đội phải dán băng keo để dùng tạm. |
Các nhạc cụ hư hỏng nên việc truyền dạy trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nhất là trong những năm trở lại đây, khi một số thành viên kỳ cựu của Đội nhạc cụ Lào đã lớn, lập gia đình và đi làm việc xa, không còn tham gia sinh hoạt. Anh Y Nô Ly tâm sự: "Hiện toàn đội chỉ còn 7 thành viên. Để duy trì hoạt động CLB, chúng tôi thường xuyên nhận đi biểu diễn ở một số địa điểm du lịch của huyện và tỉnh nhưng do thiếu nhạc cụ nên việc biểu diễn cũng rất hạn chế".
Đầu tháng 3-2021, Y Nô Ly được cử sang học tiếng Lào tại Trung tâm tiếng Lào của Trường Đại học Champasack, tỉnh Champasack (Lào). Vào những lúc rảnh rỗi, Y Nô Ly tìm hiểu thông tin về những nơi có thể mua nhạc cụ Lào, từ đó anh chia sẻ cho các thành viên trong CLB và một số lãnh đạo địa phương qua mạng xã hội Zalo. Ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na bày tỏ: "Hiện các nhạc cụ cần thiết đã được Y Nô Ly báo về và UBND xã cũng đã có công văn gửi Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào với mong muốn cùng hợp tác, hỗ trợ mua nhạc cụ Lào và gửi về trước dịp Tết cổ truyền Bunpimay - Lào, dự kiến sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 4-2021, để CLB nhạc cụ Lào có thời gian tập luyện và biểu diễn. Đây là món ăn tinh thần rất ý nghĩa đối với cộng đồng người Việt gốc Lào trên địa bàn huyện cũng như các học sinh, sinh viên người Lào đang tham gia học tập trên địa bàn tỉnh về chung vui trong ngày Tết Bunpimay".
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc