Multimedia Đọc Báo in

Vẻ đẹp Trạm Tấu

08:56, 04/04/2021

Trạm Tấu là huyện vùng cao ở phía tây nam tỉnh Yên Bái, cách TP. Yên Bái hơn 100 km, giáp với Mường La, Bắc Yên, Phù Yên (tỉnh Sơn La). Đây là vùng đất định cư, sinh sống từ lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Phù Lá, Nùng, Hà Nhì...

Trạm Tấu ghi dấu ấn trong lòng du khách với hình ảnh núi non hiểm trở, hùng vĩ; những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ; những triền núi cao ngất trời với vạt rừng chạy tít đến chân trời và những bản làng hữu tình dưới chân núi trong bảng lảng mây trời. Vẻ đẹp tự nhiên khiến nơi đây tựa như chốn tiên cảnh giữa trần gian.

Không gian bản làng Tà Si Láng.
Không gian bản làng Tà Si Láng.

Khám phá vùng đất Trạm Tấu đòi hỏi du khách phải có “máu phượt”, phiêu lưu khi rong ruổi trên những cung đường uốn lượn bao quanh những ngọn núi cao ngất, vượt qua những con đèo với độ cao cảm giác như chạm tới mây trời. Vào độ tháng 9, tháng 10, Trạm Tấu hiện ra là một thiên đường ruộng bậc thang tạo nên những đường viền vàng uốn lượn chạy tít tới chân trời. Tiết trời mùa thu mát mẻ hòa vào hương thơm của lúa khiến con người như ngất ngây trong không gian tràn ngập sức sống.

Chỉ cần dừng chân ở một điểm nào đó trên cung đường Trạm Tấu, du khách đều có thể thả hồn mình vào sóng lúa bậc thang tuyệt đẹp để lắng nghe những thanh âm trong trẻo của núi rừng, của ruộng đồng. Mùa này, Trạm Tấu có một đặc sản nổi tiếng với nhiều du khách là táo mèo (còn gọi là quả sơn tra). Vào độ giữa thu, táo mèo trên rừng chín rộ, thơm lựng, đồng bào Mông ở Trạm Tấu sáng sớm thường đeo gùi lên núi hái táo rồi chiều về bày bán ngay tại chợ phiên phố núi.

Chinh phục những đỉnh núi cao ngất trời là một trong những trải nghiệm thú vị. Trên cung đường ấy, đỉnh Tà Xùa vốn được xem như “sống khủng long” của vùng Tây Bắc sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ. Núi Tà Xùa là một trong mười ngọn núi cao nhất Việt Nam thuộc xã Bản Công của huyện Trạm Tấu. Để lên được đỉnh Tà Xùa, du khách phải vượt qua cung đường mòn hết sức hiểm trở, khó đi. Lên đến nơi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cả một không gian kỳ vĩ, bao la với biển mây bồng bềnh.

Trạm Tấu còn hấp dẫn du khách bởi sự bình yên và đậm chất Tây Bắc của những bản làng vùng cao. Đến nơi đây, du khách có cơ hội hòa mình vào không gian sống của bản làng Tà Si Láng. Nằm ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển, xã Tà Si Láng có diện tích 9.000 ha, gồm 5 bản là Tà Cao, Xá Nhù, Chống Chùa, Làng Mảnh, Lã Tà. Từ bao đời nay, người Mông đã sống ở mảnh đất đầy nắng gió này. Nằm vắt vẻo trên đỉnh Tà Cao - “vương quốc” của pơmu, Tà Si Láng nằm lọt thỏm dưới hẻm núi và những vạt rừng xanh thẳm. Ở Tà Si Láng có những con đường nhỏ xinh quanh co theo những cánh đồng dẫn vào các bản; trên đường đi có những con suối chảy qua với những chiếc cầu treo vững chãi. Bản làng người Mông bám theo sườn núi với những căn nhà gỗ tựa lưng vào núi.

Chợ phiên ở Trạm Tấu
Chợ phiên ở Trạm Tấu.

Ngược đường lên xã Xà Hồ, du khách còn có cơ hội khám phá một “thiên đường”, là bản Cu Vai. Nhìn từ trên cao xuống, Cu Vai tựa như một tổ chim khổng lồ nằm vắt vẻo trên đỉnh núi. Vượt qua con đường dốc núi hiểm trở, Cu Vai là một bản làng còn nguyên sơ, tựa như một thế giới riêng. Giữa bản là con đường nhỏ, hai bên là những căn nhà của đồng bào Mông nối nhau liên tiếp tạo nên những dãy nhà chạy dọc trên đỉnh núi. Con người, cuộc sống nơi đây chân chất, giản dị, đậm chất hoang sơ mà vẫn thi vị.

Xuống núi, du khách sẽ được ngâm mình trong suối khoáng nước nóng tự nhiên ở Trạm Tấu để xua tan đi bao mệt nhọc. Tiếp tục hành trình sẽ là những điểm khám phá tiếp theo ở vùng đất Trạm Tấu như bản Mù với hai con suối lớn là suối Làng Kè, suối Mù Cao; khám phá bản Háng Tề Chơ, ngắm thác nước Háng Tề Chơ tựa như dải lụa vắt từ trên đỉnh núi xuống. Dừng chân ở các bản làng, du khách còn được thưởng thức những món ăn bản địa đậm vị Tây Bắc như măng rừng, rau dớn, vịt nướng lá mắc mật, cá suối lam, xôi nếp nương, rượu ngô...

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.