Multimedia Đọc Báo in

Sao bạn không đến Bảo tàng Ðắk Lắk?

06:51, 09/05/2021

Theo lời giới thiệu của một người dân địa phương, chúng tôi tìm đến Bảo tàng Đắk Lắk tọa lạc tại số 12 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột. Với những người dân sinh sống lâu năm ở thành phố cao nguyên này, Bảo tàng Đắk Lắk là nơi lưu giữ dấu ấn thời gian lịch sử của địa phương.

Bảo tàng Đắk Lắk thường được người dân địa phương gọi là Bảo tàng Biệt điện. “Đơn giản vì đây từng là Biệt điện của vua Bảo Đại khi ông đến Tây Nguyên. Nhưng bây giờ, Nhà nước đã đầu tư nơi đây thành Bảo tàng Đắk Lắk, một điểm dừng của những du khách nào thật sự muốn tìm hiểu về mảnh đất, con người cao nguyên”, anh lái xe taxi giải thích như vậy và nhấn mạnh rằng không phải ai cũng biết đến chỗ này.

Quả thật, Bảo tàng Đắk Lắk dù khuôn viên to rộng, xanh mát bóng cây, có đến 3 cổng mở toang chào đón song chưa có nhiều du khách vãng lai. Các hướng dẫn viên tại đây rất nồng nhiệt, luôn chào đón mọi người với nụ cười niềm nở nhưng vẫn không tránh khỏi thoáng thở dài khi được hỏi về lượng khách tham quan. Trong mùa dịch bệnh, du khách lại càng ít. Chỉ vào cuối tuần, khi có các đoàn thiếu niên, học sinh các trường trên địa bàn đến tham quan theo chương trình dã ngoại, Bảo tàng Đắk Lắk mới sôi động một chút.

Bảo tàng Đắk Lắk.    Ảnh: Hoàng Gia
Bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia

“Đây thực sự là một điều đáng tiếc cho Đắk Lắk, cho TP. Buôn Ma Thuột, vì lẽ ra, để hiểu về Buôn Ma Thuột, hiểu về Đắk Lắk, hiểu về lịch sử Tây Nguyên, du khách phải đến đây trước. Chính những người dân, giới trẻ Buôn Ma Thuột cũng phải nên đến đây trước để nắm rõ, biết rõ quê hương mình”, ông bảo vệ già ở Đường Sách cà phê Buôn Ma Thuột giãi bày như vậy.

Tâm tư của một con người yêu mảnh đất Tây Nguyên hóa ra không hề chủ quan. Chỉ cần hơn 60 phút ghé qua, đi dạo trong Bảo tàng Đắk Lắk, người viết đã được trang bị thêm rất nhiều kiến thức, hiểu biết về vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, TP. Buôn Ma Thuột với dấu ấn đô thị đẹp đẽ, tự nhiên từ thời Pháp thuộc. Cả hai khu vực bảo tàng ở đây, về lịch sử và về sinh học tự nhiên đều thật sự rất phong phú, rất khoa học. Được thể hiện theo mô hình mở, mỗi kỷ vật, mỗi dấu tích bảo tàng, từng bức ảnh ở đây đều có chú dẫn đầy đủ bằng 4 ngôn ngữ khác nhau, giúp khách tham quan dễ dàng tiếp cận, thấu hiểu những thông điệp gửi gắm. Đặc biệt, nếu có thêm người hướng dẫn, qua những câu từ dẫn chuyện chân chất, khách tham quan sẽ càng thấm thía hơn hình ảnh, cảnh vật, không gian và đời sống lịch sử của con người Tây Nguyên, vùng đất Buôn Ma Thuột. Sẽ không ngạc nhiên khi du khách ghé đến đây đều khen ngợi Bảo tàng là điểm dừng hun đúc thời gian lịch sử và dấu chân hàng trăm năm của những số phận con người đi mở đất, mở làng.

Ở Bảo tàng Đắk Lắk, có những thông điệp ngàn năm in trên từng phiến đất bazan, có dấu nhà dài mẫu hệ, có núi rừng bao la và những điều kỳ diệu của đất trời. Để rồi khi tiếng nhạc hướng dẫn trên sa bàn Chiến trường Buôn Ma Thuột 1975 bật lên, tất cả những ai có mặt sẽ tự hào vỗ tay, thán phục bước chân lịch sử đã in dấu ở vùng đất mênh mang này.

Người viết đã đi qua những ngày nắng lửa Quảng Trị, đã lang thang dọc hộ thành hào Kinh đô Huế, lơ đễnh ngắm tháp Rùa hồ Gươm… nên cứ tưởng mình sẽ thản nhiên nhìn lại những mảnh đá, chiếc cào gỗ trong Bảo tàng Đắk Lắk. Nhưng không, dường như có quá nhiều ẩn ức dồn nén, vẫy gọi tồn tại ở trong từng dấu ấn mòn vẹt cùng thời gian nơi đây. Bảo tàng Đắk Lắk như thu gọn trong lòng một đại ngàn rộng lớn và dấu ấn trầm tích của một đô thị còn mãi hoài thai giấc mộng vươn mình.

Bao giờ Bảo tàng Đắk Lắk thôi vẻ trầm lắng như chính mảnh đất Buôn Ma Thuột bao giờ vươn tầm đô thị? Câu hỏi ấy xem ra đang được chính những hướng dẫn viên làm việc tại Bảo tàng nỗ lực dốc tâm trả lời, được chính những hướng dẫn viên du lịch ở TP. Buôn Ma Thuột góp ý thay đổi. Song trên tất cả vẫn cần sự quan tâm sát sao hơn, thực tiễn hơn, quyết liệt hơn từ cấp ngành quản lý, từ chính các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa nơi đây.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.