Multimedia Đọc Báo in

Đặc sắc văn hóa Lào ở vùng biên Buôn Đôn

08:14, 30/04/2021

Từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, cộng đồng người Lào đến xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) rồi định cư, gắn bó xem đây như quê hương thứ hai của mình.

Nơi quê hương mới, họ vẫn luôn hướng về cội nguồn xứ sở vạn tượng với ý thức bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình trong những sinh hoạt thường nhật, nhất là vào dịp Tết truyền thống Bunpimay.

Tết Bunpimay còn gọi là lễ hội năm mới, Hội Bun Hốt Nậm (té nước) của người Lào thường diễn ra từ ngày 14 đến 16-4 dương lịch hằng năm. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh cùng chính quyền địa phương, Tết Bunpimay định kỳ tổ chức tại khu du lịch Cầu treo (buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Trong ngày Tết truyền thống năm nay, tất cả 36 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu người Việt gốc Lào đang sinh sống tại đây tụ họp đông đủ để vui Tết truyền thống và tái hiện, thực hành những nét văn hóa đặc sắc, rất riêng của dân tộc mình. Đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh, nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Krông Na cũng đến chung vui Tết Bunpimay cùng bà con.

Thực hiện nghi thức cầu chúc sức khỏe, thịnh vượng.
Thực hiện nghi thức cầu chúc sức khỏe, thịnh vượng.

Lễ hội năm mới được bắt đầu bằng nghi lễ tắm Phật, nét sinh hoạt tâm linh độc đáo của Phật giáo. Ý nghĩa của Lễ tắm Phật là để gột rửa, tẩy đi những bụi trần, truyền tải thông điệp về việc tẩy trừ mọi phiền não, sân si đang vướng bận trong tâm trí, hướng con người đến sự thanh tịnh, tinh khiết. Trước đó, để tỏ lòng thành, trân trọng các sư thầy thực hành lễ, bà con dâng các phần quà, hoa quả, xôi tặng các thầy, đây được gọi là lễ “Xày bạt”, “Tắc bạt”. Phần lễ của Tết Bunpimay tiếp diễn với các nghi thức thả hoa đăng có ý nghĩa xua đi, thả trôi mọi rủi ro trong năm cũ, hân hoan đón chào, kỳ vọng một năm mới với nhiều may mắn, tốt lành; nghi lễ đắp tháp cát để cầu chúc sức khỏe, bình an.

Du khách đến vui Tết cùng bà con đều được buộc chỉ tay mà theo phong tục, quan niệm khi khách đến nhà, chủ nhà buộc chỉ nhiều màu sắc vào cổ tay cầu chúc hạnh phúc, bình an trong năm mới. Sau đó mọi người cùng vui Hội té nước cầu chúc sức khỏe, thịnh vượng, sống lâu… Đặc biệt là được thưởng thức điệu múa lăm vong - nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong ngày vui của cộng đồng, gia đình. Khi giai điệu bài hát "Hoa đẹp Chăm pa" vang lên, tất cả đều hòa theo điệu múa chuyển động thành vòng tròn (theo tiếng Lào thì “Lăm” là hát, “Vong” là tròn – múa xoay theo vòng tròn). Điệu múa truyền thống này như đã thấm đẫm trong tâm hồn mỗi người dân, trở thành nếp sinh hoạt văn hóa thân thuộc của cộng đồng người Việt gốc Lào ở huyện Buôn Đôn. Bà H’Kiếp Lào năm nay gần 60 tuổi chia sẻ rằng mình đã biết múa điệu truyền thống của dân tộc từ năm lên 10 cho đến nay vẫn luôn cảm thấy thích thú, tự hào về nó. "Điệu múa này tuy dễ, mới quan sát có thể học, múa theo ngay nhưng nó cũng có những nguyên tắc riêng. Với phụ nữ, khi múa lăm vông động tác vừa cuộn bàn tay, ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xoè rộng và uốn cong, nhịp chân ba bước tiến, một bước lùi cứ thế đi vòng tròn cùng mọi người. Riêng nam giới thì di chuyển chậm, nhịp nhàng từng động tác, theo điệu nhạc để “nương” theo bạn nhảy. Điệu lăm vong đòi hỏi sự mềm dẻo của cơ thể, nhất là đôi bàn tay”, bà H’Kiếp Lào giải thích.

Nghi thức thả hoa đăng, xua đi những xui rủi của năm cũ
Nghi thức thả hoa đăng, xua đi những xui rủi của năm cũ.

Văn hóa ẩm thực trong Tết Bunpimay không thể thiếu đặc sản truyền thống là món lạp - món ăn được xem như quốc thực của người Lào. “Lạp” có âm đọc gần giống như "Lộc" ở trong tiếng Lào nên món ăn này có ý nghĩa quan trọng, luôn hiện hữu trong văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây. Thường người Lào hay có thói quen tặng cho nhau món ăn lạp với mong muốn gửi lời chúc bình an, may mắn trong dịp Tết. Món lạp được bà con kỳ công chuẩn bị từ đêm trước ngày Tết để đến vui Tết ai cũng được thưởng thức, bởi theo quan niệm, nếu không chuẩn bị món lạp ngon cẩn thận đồng nghĩa sẽ mang điềm xui xẻo, không may cho người được nhận. Từ những nguyên liệu thịt bò, gà, kết hợp với các gia vị hành, thính, riềng… qua bàn tay chế biến khéo léo của các “đầu bếp” nhà, món lạp đem đến cho du khách thưởng thức những dư vị đậm đà không thể nào quên.

Đăng Triều

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.