Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh: Cần quan tâm đến cấp "sổ đỏ" và chuyển đổi loại rừng

08:43, 07/06/2021

Thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (phê duyệt kèm theo Quyết định số 2615/QĐ-UBND, ngày 30-10-2020 của UBND tỉnh), thời gian qua Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chủ động làm việc trực tiếp với các địa phương về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích và các nội dung liên quan.

Kết quả làm việc cho thấy còn nhiều vấn đề cần phải triển khai khẩn trương thì mới có thể đảm bảo đúng tiến độ của Đề án.

Toàn tỉnh hiện có 38 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh và khoảng 30 di tích tiềm năng. Thực tiễn quản lý nhà nước về di tích hiện nay cho thấy, để thực hiện đúng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh, vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là “sổ đỏ”) cho di tích và chuyển đổi loại rừng cần được quan tâm nhiều hơn.

Những di tích chưa có “sổ đỏ”...

Di tích kiến trúc Tháp Yang Prong thuộc thôn 5, xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) đã được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1991 với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ 4,76 ha. UBND tỉnh đã giao cho địa phương trực tiếp quản lý tại Quyết định số 2371/QĐ-UBND, ngày 12-11-2013. Các khu vực được khoanh vùng bảo vệ di tích đã được cắm mốc giới, đất không bị lấn chiếm, tranh chấp nhưng đất tại di tích lại thuộc loại đất có rừng tự nhiên.

Thác Dray Sáp thượng (thác Gia Long) thuộc xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1999 với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ 165,65 ha, bao gồm các loại đất có rừng tự nhiên, đất nông nghiệp, đất sông suối, ao hồ. Di tích quốc gia Thác Dray Nur ở gần đó có tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích 76,4 ha cũng gồm các loại đất tương tự. Thác Dray Sáp thượng và thác Dray Nur đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư tại Công văn số 2829/UBND-KGVX, ngày 12-4-2018. Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê đã đầu tư Dự án phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Công ty đã hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỷ lệ 1/500, trích lục bản đồ và bồi thường cho các hộ dân trong khu vực bảo vệ di tích. Tuy nhiên, việc triển khai Dự án gặp một số khó khăn do “vướng” các quy định về đất rừng.

Đồn điền CADA, thuộc xã Ea Yông (huyện Krông Pắc) được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1999 với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ 43.799 m2. Thực trạng sử dụng đất tại di tích nói trên không vướng mắc hay tranh chấp, đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành.

Còn Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) ở huyện Krông Bông được xếp hạng Di tích quốc gia năm 2017 với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ 61,5 ha. UBND tỉnh đã giao quyền quản lý nhà nước đối với di tích cho UBND huyện Krông Bông từ năm 2018. Các điểm di tích đã được xác định khoanh vùng khá cụ thể, rõ ràng.

Điểm cao 519 thuộc xã Ea Pil (huyện M’Drắk) được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2019 với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ 3.420 m2.

Năm 2001, UBND tỉnh giao cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện M’Drắk 1000 m2 để đầu tư xây dựng Đài tưởng niệm các liệt sĩ. Tuy nhiên, một phần đất khoanh vùng bảo vệ di tích nằm chồng lấn trên phần đất đã được cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất cho người dân từ năm 1998.

Đất khu vực 1 (860 m2) đã được quy hoạch và đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; riêng khu vực 2 (2.650 m2), năm 2016 UBND tỉnh phê duyệt diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích, đã thực hiện cắm mốc nhưng chưa đưa vào quy hoạch do liên quan đến đất trồng hoa màu của người dân.

Di tích lịch sử Sở Chỉ huy - nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 thuộc xã Ea Tir (huyện Ea H’leo) được xếp hạng Di tích cấp tỉnh năm 2018 với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích 200.000m2. Khu vực 1 gồm 80.000 m2; khu vực 2 gồm 120.000 m2 do Công ty Lâm nghiệp Thuần Mẫn trực tiếp quản lý.

Công ty Thuần Mẫn và Công ty Hoàng Thiên đã có thỏa thuận với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 thống nhất bàn giao đất và tạo điều kiện để xây dựng khu di tích. UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiến hành lập Quy hoạch 1/500 để thực hiện các bước tiếp theo.

Còn Di tích lịch sử Đồn điền Rossi  ở thị xã Buôn Hồ được xếp hạng Di tích cấp tỉnh năm 2018 với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ 10.267 m2 thuộc loại đất công trình, do Công ty Cà phê Buôn Hồ trực tiếp quản lý. Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Trận chiến đấu phòng ngự chốt Buôn Tring năm 1973 cũng được xếp hạng Di tích cấp tỉnh năm 2018 với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích 385,1 m2.  Tất cả diện tích đất di tích đã xếp hạng của thị xã Buôn Hồ đều được quy hoạch và đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Như vậy, có thể thấy, dù nhiều di tích nói trên được xếp hạng đã lâu nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay các di tích trên vẫn chưa có “sổ đỏ”, chưa được chuyển đổi loại rừng để có thể tiến hành các bước tiếp theo trong công tác và bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

 Tháp Yang Prông (xã Ea Rốk,  huyện Ea Súp). Ảnh: Đình Đối
Tháp Yang Prông (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp). Ảnh: Đình Đối

Cần chuyển loại sang rừng đặc dụng

Trước thực trạng vướng mắc trong việc cấp “sổ đỏ” cho các di tích, ngày 4-5-2021 UBND tỉnh đã có Công văn số 3720/UBND- NNMT để chỉ đạo về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại di tích trên địa bàn tỉnh. Ngày 10-5-2021, Sở NN-PTNT đã có Văn bản số 1290/SNN-CCKL thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đó, đối với các danh lam thắng cảnh, rừng tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa đã được UBND tỉnh phê duyệt trong Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cần rà soát diện tích đất có rừng thì sẽ chuyển loại sang rừng đặc dụng nhằm phù hợp với tiêu chí phân loại rừng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Trước đó, Sở NN-PTNT đã ban hành Công văn số 963/SNN-CCKL, ngày 6-4-2021 về việc xây dựng phương án chuyển loại rừng gửi cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh để thực hiện. Nội dung văn bản đã nêu một số vấn đề còn vướng mắc là do hầu hết diện tích rừng trong các khu vực nêu trên là rừng sản xuất, rừng ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp và chưa có chủ thực sự nên không có cơ sở giao rừng đồng bộ với giao đất theo quy định. Sở NN-PTNT đã hướng dẫn các nội dung, trình tự, thủ tục chuyển loại rừng, tổng hợp sơ bộ các khu vực dự kiến là địa điểm danh lam thắng cảnh, rừng tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa và đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai rà soát, thống kê các diện tích rừng theo tiêu chí phân loại để đưa vào phương án chuyển loại rừng trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố gửi hồ sơ phương án chuyển loại rừng đến Sở NN-PTNT trước ngày 30-5-2021 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển loại rừng cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cùng thời kỳ. Sau khi thực hiện các nội dung nêu trên, tiếp tục thực hiện quy trình thủ tục về đất đai, trích lục bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích được xếp hạng, giao đất gắn liền với giao rừng theo quy định hiện hành.

Có thể nói, việc chuyển đổi loại rừng và cấp “sổ đỏ” cho các di tích đang rất cần sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của chính quyền cơ sở và các cơ quan hữu quan trên địa bàn tỉnh, nhất là sự quan tâm của UBND cấp huyện chủ động rà soát, xây dựng phương án đối với những diện tích rừng đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện chuyển loại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, phối hợp với ngành tài nguyên môi trường, ngành NN-PTNT và cơ quan chức năng liên quan rà soát các thủ tục pháp lý, sớm tiến hành đo đạc, xác định ranh giới, trích lục bản đồ và các thủ tục liên quan để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cắm mốc ranh giới cho các di tích nói trên, phấn đấu đến năm 2025 đạt ít nhất 50% tổng số các di tích đã được xếp hạng theo Đề án đã được duyệt.

Đặng Gia Duẩn

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.