Đồn điền cà phê xưa ở xứ Quảng
Tưởng rằng miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên mới là nơi xuất xứ của cây cà phê nhưng kỳ thực, ngoài vùng núi Ba Vì gần Hà Nội, còn có vùng đất Phong Lệ cận kề Đà Nẵng và một số nơi thuộc địa bàn của xứ Quảng cũng đã từng được người Pháp trồng thử nghiệm và lập đồn điền cà phê.
Các nhà tư bản Pháp là người có công đưa cây cà phê từ bên ngoài vào trồng thử nghiệm và hình thành nên các đồn điền cà phê của Bắc Kỳ, Trung Kỳ. Năm 1901, nhà tư bản Pháp Marius Borel mua đất vùng Bất Bạt, Tùng Thiện làm đồn điền.
Nơi đây ông có 13 đồn điền và diện tích rộng tới hơn mấy nghìn héc-ta thu hoạch một sản lượng lớn cà phê, xứng với công sức đầu tư. Hạt cà phê được sơ chế, rang xay cung cấp cho quân đội và dân Pháp sống tại Bắc Kỳ, số còn lại ông cho xuất khẩu sang châu Âu. Cây cà phê còn tiếp tục được trồng ở một số đồn điền mới của người Pháp tại Ninh Bình, Nghệ An...
Từ đây cà phê vào miền Đông Nam Bộ và lên vùng Tây Nguyên. Tháng 9-1940, Nhật đưa quân vào Việt Nam, các chủ trang trại cà phê quanh khu vực Ba Vì bán rẻ đồn điền hoặc bỏ hoang trở về Pháp, từ đó cây cà phê dần biến mất ở Ba Vì.
Ngoài đồn điền cà phê ở vùng núi Ba Vì, ở miền Trung cũng có nơi trồng thử nghiệm loại cây công nghiệp nổi tiếng này. Ông Cmille Paris, cựu quân nhân quân đội Pháp sau khi giải ngũ đã chuyển sang đầu tư, làm ăn ở Việt Nam. Ông trồng thực nghiệm các loại cây trồng nhiệt đới tại Đà Nẵng và miền Trung như: cao su, cau, hồ tiêu…
Đà Nẵng xưa gọi là Tourane, thành phố nhượng địa của Pháp. Vị trí ông C.Paris lập đồn điền chỉ cách Tourane 7 km. Khi xin đất lập đồn điền Phong Lệ (nay thuộc quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng), ông C.Paris đã được cấp theo dạng nhượng địa, không tốn tiền mua đất. Đồn điền cà phê của ông xây dựng năm 1891, có diện tích khoảng 25 - 30 ha, là đồn điền sớm nhất tại miền Trung. Khoảng năm 1896, ông C.Paris chuyển nhượng toàn bộ đồn điền cà phê Phong Lệ cho ông De Pongerville, cũng là một cựu sĩ quan quân đội Pháp. Khi đồn điền chuyển qua ông De Pongerville quản lý, ngoài cây cà phê, chủ đồn điền mới còn trồng thêm cây cau, hồ tiêu, dứa...
Đồn điền có 25.000 cây cà phê, 7.000 cây cau và 5.000 cây hồ tiêu, tất cả đều là cà phê Libéria, và một số ít cây cà phê giống Royal Bourbon. Theo số liệu ghi năm 1899, lúc đó đồn điền đã có 4.200 cây cà phê được 8 năm tuổi (số còn lại là 7 năm, 6 năm, 5 năm và ít hơn 5 năm). Để mở rộng thêm đồn điền, ông De Pongerville đã phải mua lại đất gò đồi của người dân sống quanh khu vực.
Đồn điền cà phê Phong Lệ xưa qua bưu ảnh của Albert Pélisser. Ảnh: Internet |
Mặc dù đồn điền có sự chăm sóc chu đáo của chính bà chủ nhân De Pongerville (ở ngay tại đồn điền) nhưng kết quả không khả quan, không như tính toán ban đầu của nhà đầu tư. Với hơn 10.000 gốc cây cà phê đến giai đoạn thu hoạch sinh lợi, vào năm 1897, ông De Pongerville chỉ thu được 400 kg cà phê thương phẩm. Các năm tiếp theo năng suất thu hoạch của đồn điền cà phê Phong Lệ càng thấp. Năm 1899, 30.000 gốc cà phê giống Libéria của đồn điền De Pongerville chỉ cho thu hoạch được 250 kg hạt cà phê. Sản lượng cà phê thu hoạch được chỉ bán tại địa phương với giá 1 đồng Đông Dương/1 kg. Kết quả trồng thực nghiệm cây cà phê tại Đà Nẵng không được như ý, nguyên nhân chính là do thổ nhưỡng, khí hậu không thích hợp cho cây cà phê; việc chăm sóc, tưới tiêu cũng gặp nhiều khó khăn vì ở xa nguồn nước. Vậy mà trước đó, ông De Pongerville còn nghĩ đến việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại Tourane hay tại vùng ven Tourane “để xuất khẩu”!
Vào những năm 1880, ngoài Phong Lệ thuộc Tourane còn có vùng Phú Thượng (nay thuộc địa phận xã Hòa Sơn, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) trồng thử nghiệm cây cà phê. Năm 1884, cha đạo Maillard, quản xứ Phú Thượng đã mua 250 ha đất để lập đồn điền trồng chè và cà phê. Ảnh tư liệu xưa có bức hình chụp cha Maillard tại vườn cà phê. Đó là chưa kể đến đồn điền của ông Bertrand cũng có trồng cây cà phê.
Thật thú vị khi chúng ta được xem những bức ảnh độc lạ, quý hiếm của nhà nhiếp ảnh Albert Pélisser về đồn điền cà phê Phong Lệ xưa. Ông cũng là nhà xuất bản bưu thiếp ở Đà Nẵng trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 20. Hình ảnh đó đã “chứng thực” về xuất xứ, lịch trình của cây cà phê đã từng trồng thử nghiệm qua nhiều vùng miền khác nhau để cuối cùng “đứng chân” vững vàng trên vùng bazan đất đỏ. Sau hơn 100 năm, từ cây ngoại nhập, cây cà phê trở thành loài cây xứ sở, mang biểu tượng văn hóa của vùng Tây Nguyên.
(Bài viết có tham khảo tư liệu của Nguyễn Quang Hiền trên trang “Tourane - Đà Nẵng xưa”).
Tấn Vịnh