Sách cho thiếu nhi - đừng chỉ là sự trăn trở
Đề tài văn học viết cho thiếu nhi đang là mảnh đất khá màu mỡ và phong phú để các nhà xuất bản khai thác.
Ngành xuất bản Việt Nam trung bình mỗi năm cho ra đời gần 300 triệu bản sách, 76% trong số đó là sách giáo khoa; trong 24% còn lại có tới 10% là sách dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, tương đương 29 triệu bản. Điều này cho thấy rằng nhu cầu sách cho trẻ em là rất lớn.
Đến các nhà sách, có thể dễ dàng nhận thấy sách văn học cho thiếu nhi luôn chiếm một không gian lớn song phần lớn là truyện tranh, truyện dịch của các tác giả Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc; số lượng sách của các tác giả trong nước còn rất ít. Trong đó, chỉ một vài tên tuổi được ưa chuộng vì tác phẩm viết đúng tâm lý, gần gũi với trẻ em; còn lại phần lớn là của các nhà văn tuổi không còn trẻ, viết cho thiếu nhi trong âm hưởng kể lại tuổi thơ của chính mình.
Trong nền văn học Việt Nam, có những tác phẩm viết cho thiếu nhi đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong những năm tháng tuổi thơ của nhiều thế hệ như: Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài); Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam), Quê nội (Võ Quảng), Ðất rừng phương Nam (Ðoàn Giỏi), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Góc sân và khoảng trời (Trần Ðăng Khoa), Miền xanh thẳm (Trần Hoài Dương)... Gần 20 năm qua, ngoài cái tên Nguyễn Nhật Ánh chiếm lĩnh nền văn học thiếu nhi trong nước với hàng loạt tác phẩm được thanh thiếu nhi đón nhận nồng nhiệt, cũng có một vài tác giả dành thời gian, tâm huyết với mảng đề tài này như: Nguyên Hương, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Mai Hương… nhưng cũng chỉ dừng lại ở một vài cuốn sách chứ không đi đường dài với bạn đọc “nhí”.
Các tác phẩm văn học cho thiếu nhi. |
Thời gian gần đây, văn học thiếu nhi phần nào được chú trọng hơn nhưng đây vẫn là sân chơi của văn học dịch. Rất nhiều tác phẩm thú vị, phù hợp với thế giới trong trẻo đã tạo nên sự yêu thích của bạn đọc thiếu nhi và người lớn như: Cây cam ngọt của tôi (Jose Mauro De Vasconcelos – Nguyễn Bích Lan, Tô Yến Ly dịch); Charlie và nhà máy sôcôla (Roald Dahl – Dương Tường dịch), Lũ trẻ làng Ồn ào (Astrid Lindgren - Nguyễn Bích Lan dịch), Cá voi đêm bão và những câu chuyện khác (Benji Davies – NXB Kim Đồng)… Bên cạnh đó, một số nhà văn trẻ có những sự đồng cảm với thế giới trẻ thơ như Văn Thành Lê với tập truyện Trên đồi, mở mắt và mơ; Bên suối, bịt tai, nghe gió; Nguyễn Xuân Thủy với Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa… là dấu chấm phá đáng ghi nhận ở mảng văn học thiếu nhi.
Viết sách cho thiếu nhi không đơn giản bởi tâm hồn trẻ thơ rất trong sáng, vấn đề đặt ra phải viết làm sao để trẻ thấy nhân vật gần gũi với suy nghĩ, cảm xúc và cuộc sống của mình. Nếu người sáng tác không nắm bắt được tâm lý thiếu nhi, mặc nhiên áp đặt quá nhiều bài học, lối viết không mới, kém hấp dẫn, nặng tính răn dạy… sẽ dễ gây ra sự nhàm chán ở trẻ. Có lẽ đó cũng là lý do mà nhiều tác giả đã thử nghiệm viết cho thiếu nhi nhưng tác phẩm được thiếu nhi ưa thích và tìm đọc chưa nhiều. Phải chăng người viết chỉ hướng đến sự dạy dỗ, giáo dục, chỉ bảo thiếu nhi mà quên đi lứa tuổi các em đang cần gì?
Tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi phải dành cho thiếu nhi, đó không chỉ mang đến những giá trị truyền thống mà còn là hơi thở thời đại, phù hợp với nhịp sống và và sự mong muốn của lứa tuổi thiếu nhi hiện nay. Nhà văn phải thật sự am tường về tâm lý trẻ nhỏ, "nhập vai" trẻ nhỏ, dõi theo những chuyển động tinh tế của các em trong sự tác động nhiều chiều của đời sống đương đại.
Văn học thiếu nhi không còn là câu chuyện của riêng các em. Thế hệ người đọc nhỏ tuổi luôn mong chờ những tác phẩm mang tinh thần nhân văn sâu sắc, giá trị thẩm mỹ. Và để có được những tác phẩm đúng với sự kỳ vọng, mong muốn của lứa tuổi các em là điều mà toàn xã hội, văn đàn trăn trở. Chỉ mong sự trăn trở ấy không chỉ trên các diễn đàn và hội thảo mà phải là những hành động thật sự từ phía những người cầm bút yêu trẻ em…
Bảo Thiên Ngân