Multimedia Đọc Báo in

Tinh hoa trong trang sức cổ

09:50, 06/06/2021

Ngoài trang phục thì trang sức đeo trên người cũng là một cách để nhận biết đặc điểm của mỗi dân tộc. Mỗi phụ kiện đó không chỉ tôn lên vẻ đẹp con người mà còn thể hiện điều kiện sống và mang đậm yếu tố văn hóa, tâm linh…

Hiện nay, ở tỉnh ta, ngoài Bảo tàng tỉnh có bộ sưu tập “Trang sức của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk” với hơn 200 đơn vị hiện vật, thì còn có nhiều cá nhân sưu tập, lưu giữ được nhiều trang sức tiêu biểu, độc đáo của các dân tộc sinh sống ở Tây Nguyên.

Chúng đa dạng về chất liệu, màu sắc; đặc biệt những hoa văn được chạm trổ tỉ mỉ, kiểu dáng độc đáo như những bộ vòng cổ (Kông xoan), chiếc vòng tay (Kông tua) của phụ nữ Êđê; chiếc vòng đồng của người Êđê, Gia rai; chiếc vòng tay bằng bạc đúc đặc, hở một đầu của người phụ nữ Bru - Vân Kiều; bộ hoa tai, trang sức bằng ngà voi của người M’nông, Brâu, Bana…

Hình ảnh và hiện vật về trang sức của các dân tộc ở Tây Nguyên được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk.
Hình ảnh và hiện vật về trang sức của các dân tộc ở Tây Nguyên được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk.

 

Bộ vòng Kông tua của người Êđê. Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk
Bộ vòng Kông tua của người Êđê. Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk

Theo thuyết minh ở Bảo tàng Đắk Lắk, mỗi dân tộc sống tại Đắk Lắk nói riêng hay Tây Nguyên nói chung sẽ có nét văn hóa đặc trưng riêng nhưng cũng có những nét tương đồng giống nhau, trong đó có thể kể đến việc sử dụng trang sức.

Cả nam và nữ, nhất là phụ nữ thích đeo các loại vòng cổ, vòng tay, vòng chân, hoa tai. Vòng thường được làm bằng kim loại chủ yếu bằng đồng, bạc, còn có cả hạt mã não, hạt nhựa và răng thú....

Chúng không chỉ để làm đẹp, thể hiện sự giàu sang của gia đình mà nó còn thể hiện tính tộc người, tính địa phương, tâm linh, văn hóa… 

Vì thế, trang sức đã được kế thừa, bảo tồn qua nhiều thế hệ và đã trở thành truyền thống bản sắc riêng của dân tộc.


Đơn cử, với người phụ nữ Êđê, chiếc vòng cổ (hay còn gọi là Kông xoan) hay những chiếc vòng đeo chân, tay (gọi Kông tua) là những trang sức đặc trưng. Bộ vòng Kông tua được gò thủ công từ hợp kim đồng, rỗng lòng có chạm khắc nhiều kiểu hoa văn trang trí khác nhau, hở một đầu để đeo.

Hoa văn trang trí trên vòng là hình bông hoa bốn cánh với những cách điệu khác nhau, hay hình quả trám. Ở hai đầu mỗi chiếc vòng thường khắc trang trí hoa văn hình chữ V (hoa gạo), sâu đo…

Phụ nữ Êđê thường dùng 12 chiếc vòng làm thành một bộ đeo cả chân và tay, để biểu diễn một số điệu múa truyền thống trong các lễ hội và dùng làm trang sức. Tương tự, chiếc Kông xoan cũng được chế tác rất tỉ mỉ, trang sức này không chỉ đeo để làm đẹp mà còn thể hiện sự giàu sang của người sử dụng trong xã hội.

Ngoài những trang sức của các dân tộc kể trên còn rất nhiều trang sức của các dân tộc khác sống tại Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk. Đây là một bộ sưu tập quý hiếm, mang dấu ấn của một thời không chỉ để làm đẹp mà còn thể hiện tính cách, thân thế và tín ngưỡng của người dùng nó. Hơn thế, chúng còn cho thấy sự sáng tạo, gu thẩm mỹ và đôi bàn tay khéo léo của người chế tác.

Hiện nay, người Êđê nói chung cũng rất "ưu ái" sử dụng chiếc vòng đồng.  Ngoài việc dùng để làm trang sức, nó còn có ý nghĩa tâm linh, được sử dụng hầu hết trong các nghi lễ, lễ cúng; là vật giao ước trong lễ cưới hỏi, kết nghĩa hay là bùa hộ mệnh, cầu may...

Đặc biệt, đối với mỗi người Êđê, những lần được cúng đeo vòng đồng là đánh dấu giai đoạn hay thời khắc quan trọng trong cuộc đời. Anh Y Nin Byă (buôn Jù, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay: “Với chúng tôi, vòng đồng còn có ý nghĩa là vật mang lại sức khỏe, may mắn cho người đeo”.

Còn đối với người M’nông cũng như một số dân tộc khác ở Tây Nguyên như Gia rai, Bana... có tục “cà răng căng tai”.

Đây là một quan điểm thẩm mỹ lâu đời ở các tộc người này. Khi mới 1 - 2 tuổi, họ đã được xâu tai và thường xuyên tăng dần kích thước cây xâu lỗ tai đến khi dái tai ngày càng căng rộng để có thể đeo những loại khuyên tai to bằng đồng, bạc, ngà voi... Lỗ tai càng to thì được cho là càng đẹp.

 

Các nhà sưu tập tư nhân giới thiệu bộ hoa tai làm từ ngà voi của người M'nông.
Các nhà sưu tập tư nhân giới thiệu bộ hoa tai làm từ ngà voi của người M'nông.

Ngày nay, tục “cà răng, căng tai” này đã dần mất đi không còn tồn tại, vì ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như quan điểm về thẩm mỹ không còn phù hợp.

Trang sức bằng ngà voi mới cũng không còn vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, những bộ hoa tai bằng ngà voi cũ vẫn còn xuất hiện và được lưu giữ tại các bảo tàng hay các nhà sưu tập tư nhân, được công chúng yêu thích bởi vẻ đẹp sắc sảo, tinh tế và giá trị văn hóa mà bộ trang sức mang lại.

Mai Sao

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.