Multimedia Đọc Báo in

Cấp bách bảo tồn Tháp Yang Prông

08:05, 12/07/2021

Tháp Yang Prông là Di tích kiến trúc quốc gia duy nhất trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực Tây Nguyên. Di tích này đang đối mặt với nhiều nguy cơ tác động, nhưng công tác bảo vệ, bảo tồn gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tháp Yang Prông thuộc địa phận thôn 5, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp. Đây là ngôi tháp cổ của người Chăm, do vua Chăm Sinhavarman III (tức Chế Mân) xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14. Tháp thờ Munkhalinga cầu mong sự sinh sôi nảy nở của giống nòi và ấm no, hạnh phúc. Sự có mặt của Tháp Yang Prông giữa vùng đất cao nguyên là một nét độc đáo hiếm thấy. Với những giá trị đó, ngày 3-8-1991, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng Tháp Yang Prông là Di tích kiến trúc quốc gia.

Hai học sinh ở xã Ea Lê (huyện Ea Súp) đến tham quan Tháp Yang Prông.
Hai học sinh ở xã Ea Lê (huyện Ea Súp) đến tham quan Tháp Yang Prông.

Diện tích các khu vực khoanh vùng bảo vệ Di tích Tháp Yang Prông là 4,76 ha, trong đó, khu vực bảo vệ I là 0,27 ha (tính từ chân tháp ra phía ngoài, với bán kính 30,4 m); khu vực bảo vệ II là 4,47 ha. Trước đây, ngành văn hóa rồi UBND huyện Ea Súp là đơn vị quản lý di tích, hiện nay địa phương đã giao UBND xã Ea Rốk trực tiếp quản lý. Năm 2017, Ban Quản lý Di tích tỉnh phối hợp với huyện Ea Súp tổ chức cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích nhằm ngăn chặn việc lấn chiếm đất đai.

Năm 2013, tháp này đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, với tổng kinh phí gần 11,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo vệ, bảo tồn di tích gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, tuyến đường từ trung tâm huyện Ea Súp đến tháp bị xuống cấp, đi lại khó khăn; di tích chưa được đầu tư hàng rào bảo vệ và các công trình phụ trợ, chưa có dịch vụ kèm theo để phát huy giá trị di tích nên du khách đến tham quan còn ít. Đặc biệt, do tháp chỉ nằm cách bờ sông Ea H'leo hơn 40 m, không có bờ kè bảo vệ nên hiện nay phía Bắc, Đông Bắc của di tích (thuộc diện tích khoanh vùng bảo vệ khu vực II, nằm tiếp giáp với bờ sông) đang bị sạt lở nghiêm trọng với mức độ 5 – 10 m. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, di tích sẽ có nguy cơ bị hủy hoại, biến mất.

Tại buổi làm việc giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các sở, ngành liên quan với huyện Ea Súp đầu tháng 6-2021, các cơ quan chức năng cho rằng, do dòng chảy của sông Ea H’leo gây sạt lở sâu vào phạm vi bảo vệ di tích nên việc khắc phục tình trạng sạt lở để bảo vệ di tích là nhiệm vụ cấp bách, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì di tích sẽ có nguy cơ bị biến mất.

Theo các nhà quản lý, sông Ea H’leo đoạn chảy qua di tích cần được bổ sung đưa vào Danh mục các nguồn nước cần lập hành lang bảo vệ theo Quyết định 1283/QĐ-UBND, ngày 8-6-2020 của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, đoạn sông này cũng không nằm trong Kế hoạch 1752/KH-UBND, ngày 3-3-2021 của UBND tỉnh về tổng thể phòng chống sạt lở bờ sông, bờ suối trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Do đó, huyện Ea Súp cần xem xét, ưu tiên bổ sung vào Danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để phòng chống sạt lở bờ sông nhằm bảo tồn, bảo vệ di tích (gồm xây dựng bờ kè chống sạt tại khu vực bờ sông và xây dựng tường rào xung quanh để tránh tình trạng người dân lấn chiếm vào khu vực quy hoạch tổng thể của di tích). Cùng với đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân có trách nhiệm bảo vệ di tích và xây dựng kế hoạch để bảo tồn và phát huy giá trị công trình gắn với phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới.

Minh Chi


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.