Multimedia Đọc Báo in

Bàu Tró – Hồ nước ngọt "không đáy" bên biển Nhật Lệ

18:12, 10/06/2017

Nằm ở phía đông bắc TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Bàu Tró là hồ nước ngọt nổi tiếng, không chỉ vì nơi đây sở hữu “một bầu trong vắt, khuấy không thể đục, lắng không trong thêm” (Tiến sĩ Dương Văn An viết trong sách “Ô Châu cận lục”, thế kỷ 14), mà nơi đây còn là một di chỉ khảo cổ học đặc biệt của hậu kỳ đồ đá mới (cách ngày nay khoảng 4.000 – 3.500 năm).

Với số lượng đồ sộ những hiện vật từ rìu đá, mảnh tước, chì lưới đến vỏ sò, vỏ ốc, mảnh gốm mà các nhà khảo cổ học tìm ra được trong hai cuộc khai quật (năm 1923 của nhà địa lý và khảo cổ học người Pháp Etinen Patte và năm 1980 của giáo sư Hà Văn Tấn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng các cộng sự),  Bàu Tró đã được đặt tên cho một loại hình văn hóa tiêu biểu của vùng đồng bằng ven biển miền Trung –  “Văn hóa Bàu Tró”.

Hồ Bàu Tró sở hữu vị trí địa lý hết sức đặc biệt. Chỉ cần đứng trên một đồi cát cao gần đó nhìn xuống có thể nhìn thấy được toàn cảnh khung trời gió lộng hút tầm mắt khi ngoài kia là cửa biển Nhật Lệ đang hối hả những con tàu ngược xuôi, là bờ cát trắng phẳng lì tấp nập những đoàn khách đến nghỉ dưỡng. Gạt đi không gian trùng khơi bao la và vị biển cả mặn mòi, thu tầm mắt lại cách chân sóng biển Nhật Lệ chừng 200 mét sẽ thấy một hồ nước ngọt có hình dạng một quả bầu hơi eo phần giữa thân mình với dòng bờ nguyên sơ đẹp tựa cảnh tượng trong cổ tích.

Vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng của hồ Bàu Tró.
Vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng của hồ Bàu Tró.

Hồ Bàu Tró hiện vẫn giữ được vẻ nguyên dạng của ngày đầu sơ khai với tứ phía là rừng phi lao bạt ngàn, vẻ hoang vắng, cô tịch phủ trùm lấy lòng hồ trong xanh, phẳng lặng điệp với tiếng sóng biển vỗ bờ dào dạt dệt nên một bức tranh tịch mịch, huyền bí.

Lý giải về nguồn gốc cái tên Bàu Tró và nguồn nước ngọt dồi dào trong hồ từ đâu mà có khi hồ nằm gần biển đến thế, các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng hầu hết cư dân miền Trung đều gọi những hồ nước nhỏ là “Bàu”, còn chữ “Tró” là danh xưng, là phương ngữ mang tính chất cổ ngữ của cư dân bản địa. Sở dĩ nước Bàu Tró ở gần biển mà lại ngọt, theo các nhà địa chất học, đồng bằng ven biển Đồng Hới là một trong những đồng bằng nằm trong khu vực Bắc Trung Bộ được dịch chuyển trên nền đá gốc mà trước đó đã bị biển bào mòn và được đóng khung trong lớp trầm tích biển dày và cứng.  Bên cạnh đó trong tiến trình nội sinh địa chất, nhiều con sông lần lượt dịch chuyển ra phía biển lớn. Qua thời gian, bão gió các cồn cát cũng được dịch dời, làm vùi lấp các cửa sông trước khi đổ ra biển. Tại điểm giao nhau giữa cửa sông và mặt biển, những chỗ thấp trũng khơi đọng lên những vũng nước ngọt mà người miền Trung gọi là “bàu”. Nước ở các bàu cực kỳ trong lành và linh thiêng nên người dân luôn có ý thức trân quý và quyết tâm giữ gìn. 

Ngay tại hồ Bàu Tró, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng Nhà máy cấp nước Đồng Hới với công suất 9.000 m3 nước/ngày đêm, phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân toàn bộ TP. Đồng Hới và một số xã, thị trấn thuộc các huyện lân cận. Điểm độc đáo làm nên vẻ huyền bí của hồ Bàu Tró đó là không có bất cứ nguồn nước cũng như hệ thống mương máng nào khác được bắt dẫn vào hồ nhưng từ khi phát hiện ra đến nay thì nước trong hồ chưa bao giờ cạn dẫu Nhà máy cấp nước có nâng công suất hay trời có đại hạn đến mấy chăng nữa. Đó cũng là lý do mà người dân nơi đây gọi Bàu Tró là hồ không có đáy.

Chuyện “không đáy” của hồ Bàu Tró cũng đã đi vào huyền sử và được người dân nơi đây tụng truyền từ đời này qua đời khác. Rằng đã có những cư dân dùng thuyền bè chèo ra giữa lòng hồ rồi buộc đá vào dây cước thả xuống để kiểm chứng độ sâu của đáy hồ nhưng ai nấy đều “bất lực” vì nối bao nhiêu sợi cước mà dây vẫn không có dấu hiệu chùng lại. Còn có chuyện khó tin hơn, năm nọ, sau trận lũ, khi nước rút, cư dân Bàu Tró đã nhặt được những quả bưởi của một vùng đất thuộc huyện Lệ Thủy cách đó hơn 50 km…

Dưới mặt hồ phẳng lặng luôn ẩn chứa những câu chuyện bí ẩn nhưng cũng đầy thiết thực, gần gũi với đời sống con người. Đó cũng là yếu tố khiến hồ Bàu Tró trở thành địa danh đặc biệt đối với người dân và du khách…

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.