Multimedia Đọc Báo in

Khám phá "hồ nước trời" Búng Bình Thiên

10:34, 29/07/2017

Búng (hồ) Bình Thiên nằm giữa 3 xã biên giới Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang. Đây là một thắng cảnh độc đáo ở miền biên viễn xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long.

Truyền thuyết dân gian kể rằng, vào một mùa khô hạn gay gắt cuối thế kỷ 18, khi hành quân qua vùng đất này, Võ Văn Vương - một viên tướng của nhà Tây Sơn - đã dâng lễ vật, cúng trời đất để tìm nguồn nước cho binh sĩ đang khô khát. Khi ông rút gươm đâm xuống đất thì có một dòng nước trào lên đọng thành hồ nước trong vắt. Từ đó, hồ nước được người dân đặt tên là Búng Bình Thiên hay còn gọi là “hồ nước trời”.

Búng Bình Thiên có độ sâu trung bình khoảng 4 m, diện tích mặt nước vào mùa khô khoảng hơn 200 ha, vào mùa nước nổi lên đến 900 ha, đặc biệt hồ không bao giờ cạn nước. Trước đây, Búng Bình Thiên như một “túi cá” tự nhiên với sản lượng rất phong phú, dồi dào, da dạng về chủng loại. Ngày nay do tình trạng đánh bắt bừa bãi, nguồn cá thiên nhiên ở hồ cạn kiệt, ngư dân phải vất vả đi xa tìm nguồn cá. Hiện trên Búng Bình Thiên vẫn còn các hoạt động đánh bắt cá bằng thủ công như chài, câu, lưới, đăng, lợp, đó… Chiêm ngưỡng những chiếc thuyền ngư nhỏ nhoi giữa mênh mông biển nước dưới làn sương mai buổi sớm hay lững lờ trong bóng chiều hoàng hôn sông nước sẽ mang lại cho du khách nhiều cảm xúc.

Khung cảnh thanh bình ở Búng Bình Thiên.
Khung cảnh thanh bình ở Búng Bình Thiên.

Dọc theo bờ Búng Bình Thiên có những xóm người Chăm với bản sắc văn hóa độc đáo. Du khách sẽ gặp rải rác những thánh đường Hồi giáo với kiến trúc đặc trưng Tây Nam Á: mái vòm tròn đầu vuốt nhọn, cửa hình chữ U ngược, cột hình khối lăng trụ có tháp bầu tròn nhiều mặt… Cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng người Chăm có sắc thái riêng, thể hiện qua tập quán, lối sống và các lễ hội truyền thống. Người Chăm ở An Giang sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất thủ công, đánh bắt thủy sản, một số khác đi buôn bán khắp các nơi mà ta thường gọi là người “Chà Châu Giang”…

Vào cuối tháng 8 hằng năm, tại đây diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc của người Chăm, đặc biệt là “Lễ hội mùa nước nổi” được tổ chức khá hoành tráng ở Búng Bình Thiên. Khai mạc lễ hội diễn ra trên những chiếc xuồng, chiếc ghe… với phông nền là cảnh vật thiên nhiên, mặt nước dập dềnh lục bình, bèo tai chuột; sân khấu là một mặt đóng bằng gỗ ghép phẳng, cột dính vào hai chiếc ghe có thể di động. Những nghệ sĩ dân gian chèo xuồng ra từ hai bên, họ đứng trên “sân khấu nổi” biểu diễn những câu hò, điệu lý giao duyên, những câu vọng cổ kể về cuộc sống, tình yêu và chuyện mưu sinh trên đồng nước, những điệu múa uyển chuyển của các cô gái Chăm xinh xắn trong trang phục dân tộc. Lễ hội còn có những trò chơi dân gian hấp dẫn như: đua thuyền, bơi lội, bắt vịt… Phần thi trang trí thuyền hoa với những chiếc thuyền được tạo hình cách điệu thành rùa, tôm, cá hô, cá bông lau, cá sặt bổi… là một hoạt động đặc sắc, hấp dẫn nhiều khán giả.

Dọc làng Chăm ở Búng Bình Thiên có nhiều quán “cóc sàn” khá lạ mắt. Quán được làm theo kiểu nhà sàn ven sông hoặc giữa ruộng hay trên đầm nước, khách ngồi xếp bằng và quây quần với nhau, thưởng thức những món ẩm thực đặc sắc nơi miền biên viễn.

Đặng Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.