Đảm bảo an sinh cho người cao tuổi
Với người cao tuổi, việc tham gia chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ tạo ra nền tảng an sinh xã hội lâu dài và bền vững. Do đó, việc đưa người dân vào hệ thống hưu trí, giúp họ nhận về khoản tiền lương hằng tháng trong những năm tháng tuổi già là yêu cầu, đòi hỏi bức thiết.
Những năm qua, với chính sách ưu việt của BHXH, nhiều người lao động khi về già đã có lương hưu hằng tháng, không bị phụ thuộc vào con cái; đồng thời cũng an tâm hơn khi đi khám chữa bệnh bởi họ được cấp thẻ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí.
Ông Ksơr Y Nai (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) trước đây công tác trong một đơn vị nhà nước, năm 2010 ông nghỉ hưu, thời điểm đó nhiều người chọn nhận chế độ BHXH một lần nhưng ông vẫn quyết định nhận lương hưu hằng tháng. Đến nay, sau 13 năm, mỗi tháng ông được nhận lương hưu hơn 4 triệu đồng, còn được cấp BHYT miễn phí.
Ông Ksơr Y Nai (giữa) cùng cán bộ BHXH huyện Ea H'leo đi tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. |
Ông Ksơr Y Nai chia sẻ, trước đây khi mới nghỉ hưu tôi cũng không nghĩ nhiều đến cuộc sống sinh hoạt, chi tiêu sau này vì nghĩ mình còn khỏe, còn làm được việc nương rẫy. Bây giờ, tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu đi thì mới càng thấy được ý nghĩa của tiền lương hưu, vừa có nguồn kinh phí chi tiêu ổn định hằng tháng, vừa được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe, không trở thành gánh nặng cho con cháu.
Tương tự, ông Trần Thanh Hải (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) trước đây công tác ở Hội Cựu chiến binh phường và được cơ quan đóng BHXH bắt buộc. Đến lúc nghỉ hưu, chỉ với 8 năm tham gia BHXH nên ông không đủ điều kiện để được nhận lương hưu. Sau khi được cán bộ BHXH tư vấn, ông không rút BHXH một lần mà quyết định tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Đến đầu năm 2017, sau khi đủ thời gian tham gia BHXH, ông Hải đã được nhận lương hưu hằng tháng với số tiền hơn 2 triệu đồng. Đến nay, dù số tiền lương hưu hằng tháng không nhiều (3 triệu đồng/tháng) nhưng bản thân ông vẫn có một khoản tiền phụ gia đình trang trải sinh hoạt, ăn uống và được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Tính đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có 154.695 người cao tuổi; BHXH tỉnh đang chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng cho trên 48.300 đối tượng. Như vậy, còn một lượng lớn người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH. |
Thực tế cho thấy, BHXH chính là trụ cột an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ người lao động yên tâm, ổn định cuộc sống. Trong đó, lương hưu là yếu tố cần thiết bảo đảm cuộc sống cho mỗi người khi về già, tránh phụ thuộc vào con cháu và trở thành gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành BHXH, tính đến cuối năm 2022, cả nước có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, nhưng mới chỉ có 35% trong số này được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Trước thực trạng đó, Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội về Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Bên cạnh đó, điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Cụ thể, độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi. Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng BHYT do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Cán bộ BHXH huyện Krông Năng tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến người dân. |
Đề xuất này đã và đang nhận được sự đồng tình cao từ giới chuyên gia, người dân, nhất là những người cao tuổi rất mong chờ chính sách được thông qua. Việc giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và tăng mức hỗ trợ sẽ giúp người cao tuổi có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, để bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi, ngay từ bây giờ việc tham gia BHXH là hết sức cần thiết, nếu mức đóng BHXH càng cao, thời gian đóng BHXH càng dài thì mức hưởng lương hưu cũng sẽ càng cao. Người cao tuổi có lương hưu đồng nghĩa với việc sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng bảo đảm cuộc sống khi về già, để tự chủ hơn trong cuộc sống của mình. Không chỉ thế, mức hưởng lương hưu không phải cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc