Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của lương hưu

08:44, 26/10/2023

Lương hưu là cách gọi khác của chế độ hưu trí trong chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) giúp người lao động đảm bảo khi về già có chi phí chi trả cho những nhu cầu cơ bản của đời sống và chăm sóc sức khỏe. Theo đó, BHXH huyện Krông Bông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người tham gia để bảo đảm an sinh xã hội về lâu dài.

Nhiều năm nay, ông Vũ Đình Đề (thôn 10, xã Hòa Sơn) sống trong tâm thế thoải mái, vui vẻ vì không phải lo đến cái ăn, cái mặc hằng ngày của hai vợ chồng. Với ông, điểm tựa vững chắc của tuổi già chính là số tiền lương hưu hằng tháng; hơn thế nữa, tư tưởng lúc nào cũng thoải mái. “Mỗi sáng ngủ dậy, tôi đã có gần 200 nghìn đồng mà không phải lo nghĩ gì. Với nhiều người đó là số tiền nhỏ nhưng với những người già như tôi đó là số tiền lớn giúp tôi có thể tự trang trải cho cuộc sống mà không phải phiền hà đến con cháu”.

Trước đây ông Đề công tác trong ngành giao thông. Năm 1992, ông nghỉ hưu và nhận lương hưu với mức chưa đến 3 triệu đồng/tháng. Đến nay, qua nhiều lần tăng, lương hưu của ông được 5,6 triệu đồng/tháng. Thấy được lợi ích thiết thực khi có lương hưu nên nhiều năm qua, trên cương vị Bí thư Chi bộ thôn 10, ông thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện để có thể an nhàn khi về già. Không chỉ thế, trong số 5 người con của mình, ngoài 3 người làm cơ quan nhà nước tham gia BHXH bắt buộc thì ông đã vận động 2 người con đang kinh doanh tự do tham gia BHXH tự nguyện.

Ông Vũ Đình Đề an nhàn vui thú tuổi già khi có lương hưu hằng tháng.

Ông Nguyễn Duy Hòe (thôn 10, xã Hòa Sơn) trước đây công tác tại cơ quan nhà nước, đến nay đã nghỉ hưu được 13 năm. Cũng từng đó thời gian, ông không phải nghĩ nhiều đến chuyện chi tiêu, sinh hoạt của mình bởi hằng tháng đều đặn có lương hưu. Với số tiền gần 10 triệu đồng mỗi tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, vợ chồng ông tự lo cuộc sống, không phải nhờ đến con cái; hơn thế nữa, khi ốm đau, bệnh tật phải đi khám, điều trị cũng có BHYT chi trả.

Theo thống kê của BHXH huyện Krông Bông, đến cuối năm 2022 đơn vị chi trả lương hưu hằng tháng cho 795 người và tính đến cuối tháng 9/2023 chi trả cho 825 người. Con số này cho thấy số người nhận lương hưu hằng tháng trên địa bàn huyện đã có bước chuyển biến tốt, nhận thức được nâng cao, hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần.

Để đạt được những thành quả trên, những năm qua, BHXH huyện Krông Bông đã chủ động tham mưu với các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động về ý nghĩa, lợi ích của việc nhận lương hưu; khuyến cáo, cảnh báo những rủi ro khi người lao động nhận trợ cấp BHXH một lần. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể, đơn vị thu để tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đối thoại; truyền thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook; qua hệ thống loa truyền thanh... Từ đó giúp người dân dần hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng và tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện để tham gia, bảo đảm cuộc sống khi về già.

Cán bộ BHXH huyện Krông Bông (bên phải) vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu khi về già.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cuộc sống kinh tế của nhiều người bị tác động nhưng với những người đang hưởng lương hưu lại khá yên tâm, an toàn khi được chi trả lương hưu đến tận tay, không phải lo lắng đến việc làm và miếng cơm manh áo. Vì vậy, người lao động cần suy xét, cân nhắc kỹ việc nhận BHXH một lần; thay vào đó hãy tiếp tục tham gia hoặc bảo lưu thời gian tham gia đến khi đi làm lại để ổn định cuộc sống sau này, vì an sinh xã hội bền vững.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.