Multimedia Đọc Báo in

Phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc vì mục tiêu an sinh

08:25, 23/07/2024

Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là chính sách an sinh xã hội, có vai trò, tầm quan trọng lớn đối với người lao động (NLĐ) và xã hội. Trong các doanh nghiệp, chính sách BHXH góp phần bảo đảm ổn định đời sống cho NLĐ, ổn định sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Điểm tựa cho người lao động

Theo Luật BHXH, NLĐ làm việc tại doanh nghiệp có hợp đồng lao động chính thức từ 1 tháng trở lên đều thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Cả NLĐ và doanh nghiệp đều có trách nhiệm đóng BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định của pháp luật. Việc tham gia BHXH giúp lao động được hưởng các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp. Thêm vào đó, khi hết tuổi lao động và đủ điều kiện theo quy định, NLĐ sẽ được hưởng chế độ hưu trí và được cấp thẻ BHYT miễn phí; khi NLĐ không may qua đời, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất và mai táng phí...

Với những lợi ích thiết thực đó, thời gian qua, để bảo đảm quyền được tham gia và thụ hưởng các chế độ về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ trong các doanh nghiệp, BHXH tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, đối thoại, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động và nhận thức của NLĐ. Trong đó, chú trọng tuyên truyền những hệ lụy của việc trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT đối với doanh nghiệp và NLĐ.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động; tích cực phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các doanh nghiệp trên địa bàn; đề xuất xử lý đúng theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm Luật BHXH.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Krông Pắc tuyên truyền chính sách, pháp luật bảo hiểm đến cán bộ quản lý Công ty TNHH Sunghyun Đắk Lắk.

Chị Lê Thị Thúy (công nhân Công ty TNHH Sunghyun Đắk Lắk - huyện Krông Pắc) chia sẻ, chị vào làm việc trong công ty từ năm 2020, cũng từ đó đến nay chị và các anh chị em làm việc cho công ty đều được đóng BHXH, BHYT và BHTN đầy đủ. Nhờ vậy, những lao động như chị cũng yên tâm làm việc, cống hiến, gắn bó, đồng hành với doanh nghiệp.

 

6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh giải quyết cho 22.233 trường hợp hưởng các chế độ BHXH. Trong đó, 724 người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng, 12.451 người hưởng các chế độ BHXH một lần, 9.058 lượt người ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Với chị Vũ Thị Quý, hơn 10 năm làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ Việt Thắng (huyện Ea Kar), chị được tham gia BHXH đầy đủ nên những khi ốm đau đều được hưởng chế độ theo quy định. Đặc biệt, trong hai lần nghỉ sinh con chị đều được BHXH chi trả tiền lương, chế độ thai sản. Nhờ đó, chị có thể yên tâm chăm sóc con nhỏ, hồi phục sức khỏe mà vẫn có nguồn kinh phí để trang trải cuộc sống.

Hiện nay, bên cạnh số ít doanh nghiệp chậm đóng BHXH trên 3 tháng thì các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đã thực hiện tốt việc bảo đảm chính sách an sinh cho NLĐ. Tính đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh có 113.153 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 363 người so với thời điểm cuối năm 2023, tăng 5.542 người so với cùng kỳ năm 2023.

Vẫn còn nhiều thách thức

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 690 doanh nghiệp thành lập mới, lũy kế đến ngày 30/6/2024, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.829 doanh nghiệp còn đăng ký, hoạt động; trong đó có 11.858 doanh nghiệp và 971 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh. Việc bảo đảm chính sách an sinh về BHXH, BHYT cho lao động cũng chính là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp thu hút, giữ chân NLĐ cũng như giúp doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh mà không phải lo lắng về nguồn lao động.

Lao động làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ Việt Thắng.

Theo Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tổ chức thực hiện trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; tuy vậy việc phát triển người tham gia BHXH có tăng nhưng còn chậm. Bên cạnh đó, công tác thu, thu nợ nhiều doanh nghiệp vẫn còn tình trạng chây ì, trốn đóng BHXH, BHYT, nợ số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài, một số đơn vị chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích, đang làm thủ tục phá sản, giải thể... dẫn đến tỷ lệ nợ còn cao, làm ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, hoạt động kém hiệu quả, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, thua lỗ kéo dài. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, phát triển chậm, chưa tạo được nhiều việc làm cho NLĐ, chưa có chính sách riêng biệt để thu hút lao động nên người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc rất ít.

Trước thực trạng đó, thời gian tới BHXH sẽ tăng cường các hình thức tuyên truyền về Luật BHXH, BHYT; chủ động báo cáo, tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh phát triển người tham gia; thu đúng, đủ, kịp thời, giảm nợ đọng; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho NLĐ; góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.