Chuyện “măng” và “tre” ở chi bộ (kỳ 1)
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”.
Tại Đắk Lắk, với vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, đội ngũ cấp ủy, bí thư chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố đã thể hiện trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu, đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Thời gian gần đây, vấn đề trẻ hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận cho chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố đang được đảng ủy các xã, phường, thị trấn và tổ chức cơ sở đảng quan tâm.
Kỳ 1: Khi "tre" đã già...
Người lớn tuổi phải cáng đáng công việc ở các chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố nhiều nhiệm kỳ, trong khi người trẻ chưa đủ “chín” hoặc thiếu tâm huyết với công tác đảng. Đó là thực trạng ở nhiều chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố hiện nay.
Những bí thư chi bộ... thâm niên
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa (SN 1962) là Bí thư Chi bộ tổ dân phố 6 (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana). Chi bộ tổ dân phố 6 có 55 đảng viên sinh hoạt, trong đó có trên 75% là đảng viên cao tuổi, hưu trí.
Theo bà Hoa, việc tạo nguồn cấp ủy trẻ cần bắt đầu từ phát triển đảng viên, nhưng đây là một trong những tiêu chí đang gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế tại địa phương, thanh niên học xong THPT thì đi học nghề, học cao đẳng, đại học tại các thành phố lớn. Hiện chỉ còn những quần chúng mới vừa học hết THCS, thậm chí chưa hết cấp học này ở lại lập gia đình và làm kinh tế, việc tham gia các hoạt động của địa phương khá hạn chế. Tình trạng này đang gây khó khăn cho công tác tạo nguồn ở cơ sở.
Bản thân bà Hoa đã trải qua 7 nhiệm kỳ trong cấp ủy và đảm nhận vai trò bí thư chi bộ. Dù bà vẫn còn đam mê, nhiệt huyết, nhưng tuổi đã cao, khả năng tiếp cận, nắm bắt cách làm mới ở địa phương, cơ sở có phần hạn chế, nên để thực hiện vai trò, trách nhiệm là hạt nhân lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao của chi bộ là rất nặng nề. “Thiếu đảng viên trẻ dẫn đến tình trạng những người già ở chi bộ vẫn phải tham gia cấp ủy, gánh vác các nhiệm vụ. Chính vì vậy, yêu cầu trẻ hóa đội ngũ cấp ủy là rất cần thiết”, bà Hoa trăn trở.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 6 (bên trái), thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana trao đổi với đảng viên trẻ về phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Minh Vân |
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tứ (SN 1958) đã đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ tổ dân phố 5 (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) bốn nhiệm kỳ. Ông tuổi đã cao, muốn nghỉ ngơi nhưng vẫn phải tiếp tục công việc vì chưa tìm được người thay thế.
Theo ông Tứ, chi bộ dù có số đảng viên đông nhưng để tìm người kế cận tham gia vào cấp ủy hay đảm nhận chức vụ bí thư lại khá nan giải, đặc biệt là đội ngũ đảng viên trẻ. Cụ thể, chi bộ hiện có 86 đảng viên, trong đó có 98% đã và đang công tác tại cơ quan chính quyền. Đa phần đảng viên nghỉ hưu về sinh hoạt tại địa phương thường có tâm lý muốn nghỉ ngơi.
Những đảng viên trẻ lại tập trung phát triển kinh tế gia đình và cũng cảm thấy trách nhiệm bí thư khá nặng nề. Hơn nữa, với một chi bộ đông đảng viên mà trong đó phần lớn đều là những người có trình độ cao, hiện đang giữ nhiều chức vụ tại địa phương thì việc làm lãnh đạo một tập thể như vậy là áp lực lớn.
"Theo đánh giá xếp loại năm 2023, đội ngũ cấp ủy, bí thư chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, một số chi bộ có cán bộ lớn tuổi nên không tạo được sức bật trong công tác" - Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Nam Cao. |
Chi bộ hiện đang phân công trực tiếp cho các đồng chí trong cấp ủy lựa chọn những đảng viên trẻ có tâm huyết, năng lực, trình độ được kết nạp tại chi bộ để dìu dắt, hỗ trợ. Đặc biệt, chú trọng, mạnh dạn phân công đảng viên trẻ thực hiện những nhiệm vụ khó để họ có thêm cơ hội học hỏi, rèn luyện, từ đó từng bước trưởng thành. Đồng thời, từ kết quả thực tiễn công việc, chi bộ có thể đánh giá đúng phẩm chất, năng lực đảng viên, chỉ ra những khuyết điểm, nhược điểm của đảng viên trẻ và có biện pháp giúp đỡ họ ngày càng tiến bộ hơn.
Khó tìm nguồn kế cận
Đối với các chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố hiện nay, những đảng viên lớn tuổi, đặc biệt là các bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên là chỗ dựa, dìu dắt, giúp đỡ người trẻ ngày một vững vàng.
Huyện Krông Ana có 8 xã, thị trấn, với 72 thôn, buôn, tổ dân phố có chi bộ (đạt 100%); có 233 đồng chí cấp ủy, trong đó có 89 chi ủy viên, 72 phó bí thư, 72 bí thư. Nhiệm kỳ 2022 - 2025, đội ngũ cấp ủy chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố có chuyển biến tích cực về chất lượng, cơ cấu. Đảng ủy xã, thị trấn đã chú trọng lựa chọn đảng viên là cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, cựu quân nhân, người làm công tác xã hội có uy tín, năng lực để làm bí thư chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”. Về độ tuổi trong cấp cấp ủy, từ 50 - 60 tuổi có 55 đồng chí (chiếm tỷ lệ 23,6%), từ 61 tuổi trở lên có 64 đồng chí (gần 27,5%). Với bí thư chi bộ, từ 50 - 60 tuổi có 30 đồng chí (41,6%), từ 61 tuổi trở lên có 18 đồng chí (25%).
Các đồng chí trong cấp ủy Chi bộ tổ dân phố 5 (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar) thăm hỏi, động viên người dân có hoàn cảnh khó khăn. |
Theo đánh giá của Huyện ủy Krông Ana, cán bộ lớn tuổi là những đồng chí có kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết, có khả năng triển khai, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, gương mẫu, có uy tín trong nhân dân, kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng tốt. Tuy nhiên, do vấn đề tuổi tác nên có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận, nghiên cứu tài liệu, một số đồng chí còn tư duy ngại thay đổi.
“Ở nhiều chi bộ, bí thư, phó bí thư, chi ủy viên đều là những đảng viên cao tuổi hoặc đã nghỉ hưu. Họ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, uy tín, nhưng do tuổi cao, sức khỏe hạn chế nên việc giải quyết công việc chung gặp nhiều khó khăn” – Bí thư Đảng ủy thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) Trần Thị Hải Yến. |
Ông Y Ter Buôn Krông, Bí thư Đảng ủy thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) cho biết, Đảng ủy thị trấn hiện có 15 chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố; số lượng thành viên cấp ủy chi bộ từ 3 - 7 đồng chí tùy theo đặc thù từng chi bộ. Người đứng đầu chi bộ tuổi dưới 40 chỉ chiếm tỷ lệ 15%. Đội ngũ cấp ủy chi bộ đa số là những đảng viên lớn tuổi vì trách nhiệm với địa phương nên đứng ra đảm nhận nhiệm vụ tại cơ sở. Họ có kiến thức, kinh nghiệm, nhiệt huyết nhưng vì tuổi cao, sức khỏe hạn chế nên gặp những khó khăn nhất định trong quá trình công tác. Do đó, việc động viên, giao nhiệm vụ cho các đảng viên trẻ, có công việc ổn định, gắn bó với quê hương tham gia công tác ở địa phương là rất cần thiết.
Có một thực tế ở các địa phương là đa phần lực lượng trẻ thoát ly nên công việc của thôn, buôn dồn lên vai những người lớn tuổi, trong khi ở một số địa bàn sau sáp nhập, địa giới hành chính rộng, dân số đông, nhiều đảng viên… khiến cán bộ gặp nhiều áp lực.
Bên cạnh đó, thời gian trước đây, phụ cấp cho cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố còn thấp nên nhiều người muốn thoái thác nhiệm vụ. Một số người trẻ có kinh tế khá hơn thì năng lực lại hạn chế, hoặc không mặn mà với công tác đảng, đoàn thể. Việc tìm nguồn kế cận bổ sung cho đội ngũ cấp ủy, bí thư chi bộ thôn, buôn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, ở một số nơi có tình trạng cứ đến kỳ đại hội chi bộ hay đại hội của các tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ xã lại phải vận động, thuyết phục cán bộ thôn, buôn tiếp tục tham gia công tác và thường gắn với trách nhiệm đảng viên. Ngoài ra, các chi hội đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên thường hay biến động, gây khó khăn cho công tác tạo nguồn kết nạp Đảng.
(Còn nữa)
Kỳ 2: "Làn gió mới" từ trẻ hóa
Minh Thông - Vân Anh
Ý kiến bạn đọc