Bãng lãng sắc thu Tây Nguyên
Trong ý nghĩ võ đoán của nhiều người, Tây Nguyên chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa khô; nhưng nếu bạn có một tâm hồn tinh tế đang neo đậu, nếu bạn thực sự yêu xứ sở Tây Nguyên mênh mông này, bạn sẽ nhận ra, từ khoảng đầu tháng Tám, dáng thu Tây Nguyên hiện về khắp nẻo trong vẻ khoan thai, dịu dàng, đằm thắm…
Ấy là lúc Tây Nguyên bỏ nắng và gió vào trong chiếc túi càn khôn, chỉ giữ lại trên núi đồi, trên bờ vai cái se lạnh của trời sương mênh mang, bãng lãng lúc thu về.
Nói thu Tây Nguyên về, là bởi nó đã từng đến, rồi đi, rồi trở lại sau mùa nắng gió bời bời. Một chiều hay một sớm mai bất chợt, núi đồi bỗng nhiên đứng im, nắng và gió như dắt nhau đi vắng, và cõi không bỗng dịu mát lạ lùng. Ấy là thu đang về. Nửa đêm thức dậy, nhìn lên trời cao, thấy sương giăng xuống quanh mình, hơi lạnh như có thể đưa tay vốc lấy được. Cảm giác như đang trong hai tay có một vốc hương thu lạnh tê, như thể mùa thu đang chậm rãi thấm vào hồn qua đôi tay nâng niu ấy.
Ảnh minh họa/nguồn Internet |
Cỏ cây, hoa lá bỗng mang mùi hương nhè nhẹ, đó chính là hương thu, như đang chuyển động khắp đó đây, ùa phả vào từng bản làng, từng chiếc lá, cánh hoa, trôi cả trên con suối róc rách, rồi đi ngược lên từng góc phố, hòa cùng âm thanh của một giai điệu núi rừng nào đó. Hương thu quyện với mùi thơm tinh khiết của đất trời lan tỏa dịu nhẹ đến vô cùng. Mùa thu Tây Nguyên thường đi kèm theo những ngày mưa phùn, như để ủ độ ẩm thấp toàn cõi, rồi sau đó triệu triệu nụ hoa rừng hoang dã bắt đầu cựa mình e ấp rồi nở bung khoe sắc. Hoa dại thôi, nhưng gom nhặt trong mình hơi sương, sắc nắng, vị gió Tây Nguyên để dệt nên cho mình những chiếc khăn voan đầy màu sắc quyến rũ. Mùa thu là mùa có nhiều loài hoa rừng nở rực rỡ nhất trong năm ở Tây Nguyên.
Chính vì thế có thể nói Tây Nguyên đẹp nhất là vào khoảng trời thu. Cao vọi tầng không một màu xanh ngắt sau cơn mưa, những áng mây biếng lười như những tấm khăn voan trắng bay nhè nhẹ giữa tầng không. Nắng không đi hẳn, còn ở lại với sắc màu như vàng hơn, trong hơn và hình như nắng cũng có màu xanh khi lọt vào giữa bạt ngàn rừng. Gió như cũng không đi hẳn, mà còn ở lại để nhè nhẹ đưa hương hoa tỏa đi khắp cõi. Những vạt rừng thấm đẫm hơi thu, hơi nắng và cả hơi gió nên lá sớm đổi thành nhiều màu sắc khác nhau: xanh, đỏ, vàng, tím... Những núi đồi tiếp nối dang tay tạo nên bức tranh đa màu sắc.
Mùa thu Tây Nguyên ghé đến đâu cũng thấy tâm hồn mình thư thái. Những con đường Buôn Ma Thuột nắng ngả vàng hơn. Có thể nhỏ một giọt nắng mật ong ấy vào tách cà phê Ban Mê trên góc phố, rồi nhấp một ngụm, nghe cà phê hương thu dìu dịu một cách đài cát trên chiếc lưỡi mơ hồ. Lúc này xuống hồ Lắk, sẽ thấy một dải lụa mềm vắt qua đại ngàn xanh thẳm, mặt nước phẳng lặng cho những cánh rừng soi bóng, tạo nên một bức tranh thiên nhiên trong trẻo và thơ mộng.
Từ hồ Lắk, vượt qua những con đèo dựng ngược, là đến với Đà Lạt, xứ sở ngàn hoa huyền thoại. Mùa thu Đà Lạt đắm mình trong cơn mưa chiều khiến lòng ta mềm lại, nhưng lại khiến đôi chân ta rong ruổi xuống phố, xuôi với cuộc đi dạo quanh hồ Xuân Hương thơ mộng. Ngồi trên bãi cỏ ven hồ, ngắm nhìn xung quanh, ta nhận ra dường như đã thấy mùa thu đã ghé thăm trên những ngọn gió vô hình, đang rong đùa trên thảm cỏ. Đà Lạt mùa thu nhộn nhịp nhưng không hối hả, rực rỡ nhưng không đa kỳ, nhưng lại làm nhân gian đắm đuối.
Hãy chậm lại. Mùa thu Tây Nguyên nói. Ta dừng lại theo lời thu và nhận ra mùi hương đang phảng phất cùng điệu valse của núi rừng. Những ngày thu, đến Tây Nguyên thấy nhịp đời chậm lại. Nhịp phố núi nhẹ nhàng qua những vòng xe như vòng quay dệt sợi tơ, nhịp chậm rãi như bước chân trì níu đất đai của người lên nương lên rẫy. Hình như có nụ cười mỉm thoáng gợn trong chiếc gùi trên nương rẫy, trên dòng phố, những nụ cười hoa nở trong làn hơi thu se sẽ. Bấy giờ ta hãy tìm một con đường xuyên rừng nào đó, mở rộng lồng ngực hít thở khí trời vô lượng trong lành, rồi dang rộng đôi tay ôm hết không gian. Dang thật rộng vòng tay, hít thật đầy lồng ngực, để nhắc nhủ với trái tim ta rằng, ta đang ở trong mùa thu Tây Nguyên tuyệt vời bất tận...
Hồ Đăng Thanh Ngọc
Ý kiến bạn đọc