Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông

18:26, 25/10/2022

Là một trong công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu ở Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận, CVĐC toàn cầu Đắk Nông sở hữu nhiều giá trị trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, văn hóa, du lịch và chứa đựng vẻ đẹp bí ẩn đang chờ được khai thác, khám phá.

Các giá trị về địa chất, địa mạo

Hang P8 đặc trưng tiêu biểu về cơ chế hình thành

của một hang sâu đến 26 m

Từ năm 2005, khi được khám phá, CVĐC toàn cầu Đắk Nông được biết đến là nơi sở hữu 5 miệng núi lửa trẻ, cùng hệ thống hang động được xác lập kỷ lục dài bậc nhất khu vực Đông Nam Á với tổng chiều dài lên đến 10 km. Độc đáo hơn, một số hang động trong khu vực này đã từng là nơi cư trú của người tiền sử khoảng 6.000 - 10.000 năm trước, hiện vẫn còn lưu giữ hệ sinh thái hiếm có trên thế giới.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cách đây hơn 140 triệu năm, do vận động kiến tạo của vỏ trái đất, từ một phần của đại dương rộng lớn, khu vực này được nâng lên, xuất hiện núi lửa và tạo nên một hệ thống gần 50 hang động núi lửa độc đáo, được đánh giá là có chiều dài, đồ sộ và độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á và phân bố tập trung ở núi lửa Chư Bluk thuộc xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô (Đắk Nông), chạy dọc theo sông Sêrêpốk đến thác Dray Sáp.

Hệ thống hang động dung nham nằm trọn trong các thành tạo đá basalt thuộc hệ tầng Xuân Lộc, liên quan trực tiếp với hoạt động phun trào của núi lửa Chư Bluk bao gồm các hang C1, C3, C2, C6, C7, P8… Điều thú vị, tại nhiều hang động núi lửa, các nhà khoa học ghi nhận, khám phá nhiều nét độc đáo về địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Đơn cử, hang C6.1 lần đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á phát hiện di chỉ khảo cổ người tiền sử trong hang động núi lửa. Di chỉ khảo cổ này thuộc loại hình di tích cư trú, công xưởng và mộ táng, có giá trị khoa học độc đáo và hiếm có trên thế giới.

ISV là sự kiện, hoạt động quan trọng giúp tạo ra một diễn đàn chung nhằm thuận tiện cho việc trao đổi các thông tin, kết quả nghiên cứu và kết nối các thành viên. ISV đầu tiên được tổ chức tại đảo Hawaii (Mỹ) vào năm 1972 và kể từ năm 1998 được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Các quốc gia đã đăng cai ISV trong những năm gần đây gồm: Ecuador (quần đảo Galapagos), Tây Ban Nha (quần đảo Canary), Hàn Quốc, Jordan, Australia, Iceland và Mỹ (Hawaii và California). Gần đây nhất là ISV19 được tổ chức tại Ý (Catania -  Sicily) vào tháng 8/2021.

Qua khai quật tại hang C6.1 và C6, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều di chỉ và hiện vật đồ đá với các công cụ lao động và đồ gốm, xương và vỏ nhuyễn thể, vết tích của bếp lửa, 3 di tích mộ táng, dấu vết của 10 cá thể mà trong số đó có tới 5 cá thể là trẻ sơ sinh, 1 cá thể là thiếu niên và 4 cá thể là người trưởng thành. Đặc biệt và quan trọng nhất, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một bộ xương và hộp sọ của bé gái khoảng 4 tuổi, được chôn theo tư thế ngồi bó gối. Theo các nhà khoa học, việc lần đầu tiên phát hiện ra di cốt người tiền sử trong các hang núi lửa là phát hiện mang tính bước ngoặt của ngành cổ nhân học Việt Nam. Đây là một thành tựu lớn của các nhà khoa học Việt Nam. Hiện nay, hang C6.1 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép khai quật khảo cổ học.

Còn hang C7 là hang núi lửa dạng ống có chiều dài lớn nhất Đông Nam Á (1.066,5 m). Trong hang phát hiện được nhiều cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào như các ngấn và dòng chảy dung nham, hố sụt và các di tích thực vật được hình thành cách đây hàng triệu năm.  

Hay như hang P8 là hang đặc trưng tiêu biểu về cơ chế hình thành của một hang sâu, có miệng nguyên sinh, với những giá trị khoa học hết sức độc đáo có thể sử dụng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản địa chất núi lửa và hang động dung nham. Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, hang P8 là sản phẩm của hoạt động phun trào núi lửa Chư Bluk xảy ra cách ngày nay 700.000 - 200.000 năm thuộc giai đoạn Pleistocene giữa, hệ tầng Xuân Lộc. Do hang sâu nên hiện nay vẫn đang được bảo tồn nguyên trạng.

Hang C7 là một trong những hang có cấu tạo độc đáo.

Tiềm năng du lịch độc đáo

Với diện tích 4.700 km2, CVĐC toàn cầu Đắk Nông trải dài qua 6 huyện, thành phố: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, TP. Gia Nghĩa. Nơi đây, hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Theo các nhà nghiên cứu khoa học, các cụm hang động nằm trong khu vực núi lửa Chư Bluk đều có kết cấu cũng như giá trị khoa học cao, có thể đưa vào khai thác du lịch.

Được sự chấp thuận của Hiệp hội Hang động quốc tế, vào các ngày 22 - 26/11/2022, tỉnh Đắk Nông sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (gọi tắt là ISV20) với sự tham dự của tất cả các nước là thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO. Việc đăng cai tổ chức ISV20 là một cơ hội lớn để giới thiệu, quảng bá hình ảnh hệ thống hang động núi lửa, di sản địa chất độc đáo đến bạn bè quốc tế, đồng thời đẩy mạnh khám phá, nghiên cứu khoa học về hang động, góp phần bảo tồn và khai thác có hiệu quả các di sản có giá trị quốc tế của địa phương.

Theo dự kiến, trong khuôn khổ ISV20, tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức khảo sát, thám hiểm các cụm hang P20, P8, C9, C3, C6.1, C7. Dựa trên kết quả khảo sát, các chuyên gia sẽ khuyến nghị, tư vấn phát triển du lịch hang động theo hướng phù hợp, an toàn.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.