Multimedia Đọc Báo in

Đưa du lịch Đắk Lắk phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế

19:53, 27/12/2022

Sáng 27/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 5 năm triển khai thực hiện Chương trình số 15-CTr/TU, ngày 13/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Chương trình số 15).

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành...

Các đại biểu tham dự hội nghị.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10569/KH-UBND ngày 29/12/2017 về thực hiện Chương trình số 15 và triển khai thực hiện đạt những kết quả quan trọng.

Tính đến hết tháng 11/2022, trên địa bàn tỉnh có 234 cơ sở lưu trú; 28 khu, điểm tham quan du lịch.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, tổng lượt khách ước đạt hơn 3,9 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 186 nghìn lượt; tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 5,33%. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 3.668 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu tại hội nghị.

Các sản phẩm du lịch đã có sự đầu tư, đổi mới; công tác tuyên truyền, quảng bá và kết nối phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước được đẩy mạnh; nhiều các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm cỡ quốc gia tổ chức tại tỉnh; môi trường du lịch ngày càng được quan tâm, cải thiện…

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, việc triển khai kế hoạch còn những hạn chế như: trong 2 năm (2020 – 2021), hoạt động kinh doanh du lịch bị suy giảm đáng kể, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; tài nguyên du lịch chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc ưu tiên phát triển các ngành kinh tế - xã hội khác; việc khai thác và thu hút khách du lịch là người nước ngoài còn hạn chế do địa phương chưa có cửa khẩu và sân bay quốc tế; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu, chưa chuyên nghiệp…

Đây là những vấn đề cần khắc phục trong quá trình phát triển du lịch thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 10569/KH-UBND của UBND tỉnh, giai đoạn 2017-2022.    

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào các vấn đề: định hướng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch đến năm 2025; hiện trạng và giải pháp phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch tại tỉnh Đắk Lắk; giải pháp phát triển du lịch TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh nhấn mạnh, Chương trình số 15-CTr/TU là một trong những quyết sách quan trọng, định hướng những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách quan trọng nhằm tạo ra động lực và phát triển du lịch; đưa du lịch Đắk Lắk nhanh chóng hòa nhập với xu thế phát triển du lịch chung của các nước và khu vực; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong và ngoài tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch hiệu quả trong thời gian tới, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, hấp dẫn, mang tính cạnh tranh cao, góp phần đưa du lịch Đắk Lắk phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế hiện có. 

Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 18 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai, thực hiện Kế hoạch số 10569/KH-UBND, ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh, giai đoạn 2017-2022.   

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.